Bun theo tiếng Lào dịch ra tiếng phổ thông có nghĩa là lễ hội hoặc tết hay còn có nghĩa là phúc, huột dịch ra là té, nặm là nước, Bun huột nặm được hiểu là lễ hội té nước hoặc Tết té nước. Bun huột nặm (Tết Lào) là hình thức sinh hoạt  cộng đồng, diễn ra nhiều hoạt động như cúng bản, cúng tổ tiên…nhưng vấn đề cốt lõi của Bun huột nặm là cầu cho mưa thuận gió hòa và hoạt động chính là “té nước”. Theo cách hiểu của dân gian, té nước có ý nghĩa là để tẩy rửa “môn thín” (những điều xui xẻo) gặp phải trong năm cũ. Người dân té nước cho nhau với mong muốn người được té nước năm tới sẽ có những điều mới mẻ, tốt lành. Nhưng mục đích chính của té nước là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để cho người dân bắt đầu một vụ gieo trồng mới.

Trước đây Tết té nước (Bun huột nặm) được hầu hết cộng đồng người Lào trên địa bàn tỉnh tổ chức (bao gồm cả huyện Điện Biên và Điện Biên Đông). Khi xưa, vào dịp Bun huột nặm, người Lào thực hiện nghi thức tắm tượng ở chùa. Ở huyện Điện Biên Đông, người Lào tập trung tại tháp Mường Luân thực hiện nghi thức tắm tượng tại chùa nằm ngay cạnh tháp giống như Bun pi mày truyền thống ở nước Lào hiện nay. Tuy nhiên, do tác động của chiến tranh, của tự nhiên, nhận thức của người dân một thời về vấn đề mê tín dị đoan và nhiều yếu tố khác dẫn đến từ lâu tượng Phật đã không còn bởi chùa bị tàn phá. Vì thế, người Lào ở huyện Điện Biên Đông đã không còn tổ chức Tết té nước theo truyền thống. Mặt khác, người Lào sống tập trung thành bản liền kề với các bản người Thái nên có sự giao thoa, ảnh hưởng về văn hóa như ngôn ngữ và một số tập tục xã hội. Hơn nữa, người Lào và người Thái cùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái nên văn hóa của họ có những nét tương đồng, cả hai tộc người này đều có lễ cầu mưa (trong cuốn “Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam” đã cho thấy rõ nét tương đồng về lễ cầu mưa này) và thực tế trong Tết Bun huột nặm của người Lào hiện nay vẫn duy trì lễ cầu mưa.

Theo dòng chảy của thời gian, hiện nay Tết té nước chỉ còn tồn tại ở cộng đồng người Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; đặc biệt tết ngày nay đã có sự biến đổi so với trước kia, đó là: Theo truyền thống, Bun huột nặm của người Lào ở  bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên tổ chức theo lịch riêng, gồm có: Ngày thứ nhất diễn ra lễ căm bản (cúng bản) và ngày thứ hai kéo dài tới ngày thứ ba, thứ tư là Bun huột nặm (gồm có lễ cúng tổ tiên, lễ cầu mưa, các trò chơi dân gian và điệu múa lăm vông truyền thống). Tuy nhiên, kể từ năm 1986 trở lại đây, người Lào ở bản Na Sang 1 đã tổ chức Bun huột nặm vào dịp Tết Nguyên đán của người Kinh để thuận tiện cho con cháu đi học, hoặc đi làm ăn xa về đoàn tụ gia đình. Tiếp đó, từ năm 2015 một phần nghi lễ của Bun huột nặm là lễ cúng bản đã được tổ chức vào dịp Tết nguyên đán của người Kinh, còn lại lễ cầu mưa và các trò chơi dân gian được tổ chức theo đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào - ngày 13, 14 và 15/4 hàng năm theo Phật lịch đã góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống của người Lào.

Bun huột nặm là một trong những lễ hội và cũng là tết truyền thống của người Lào tại tỉnh Điện Biên nói chung và của bản Na sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên nói riêng, gồm có lễ căm bản (tức cúng chung cả bản rồi làm lễ đổi tên cho những người trong bản đã có con dâu, con rể) và Bun huột nặm (lễ hội té nước hoặc tết té nước) - trong Bun huột nặm có cúng tổ tiên rồi đi chúc tết các gia đình, có lễ cầu mưa, té nước ngoài suối và một số trò chơi dân gian, múa lăm vông.

Lễ căm bản được tổ chức tại lông xân (rừng thiêng, miếu thờ) diễn ra vào chiều ngày 30 Tết. Điều đặc biệt và không giống với bất kỳ dân tộc nào trên địa bàn tỉnh đó là người Lào từ xa xưa đã lập miếu thờ tại lông sân gồm 09 gian thờ. Điều đó thể hiện sự độc đáo về tín ngưỡng dân gian của tộc người Lào:

- Ngăn thứ nhất là thờ tổ tiên cư trú tại bản Na Sang trước khi người Lào di cư đến là người Khơ Mú (người Lào kể lại rằng xưa kia người Khơ Mú trong quá trình dựng bản bị chết nhiều và bỏ đi hết. Sau đó người Lào mới di cư tới và định cư tới ngày nay).

- Ngăn thứ hai thờ 03 anh em người Lào đại diện cho 03 dòng họ là họ Vì (họ to nhất của người Lào), họ Lò, họ Lường - họ là những chủ bản người Lào đầu tiên.

- Ngăn thứ ba thờ tổ tiên dòng họ Vì.

- Ngăn thứ tư thờ tổ tiên dòng họ Lò.

- Ngăn thứ năm thờ tổ tiên dòng họ Lường.

- Ngăn thứ sáu thờ thần núi, thần rừng

- Ngăn thứ bảy thờ thần ngự tại sông Nậm Ngam và khe suối Huổi Sang (nơi diễn ra hoạt động té nước của người Lào).

- Ngăn thứ tám thờ thần ngự tại các khe suối nhỏ từ trong rừng chảy về.

 - Ngăn thứ chín thờ thần lúa để cầu cho dân bản có mùa màng bội thu.

 Sau lễ căm bản (cúng bản), sang ngày mùng Một Tết (theo lịch của người Kinh), người Lào tổ chức Bun huột nặm. Trong ngày này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm gồm: gà, bánh tráng, hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, chè… dâng thắp hương tổ tiên, mời các đời tổ tiên từ quê cũ về ăn tết, trong ngày này cả bản tổ chức ăn uống tại nhà chảu xửa, ngày mùng 2 - 4 Tết họ đến nhà nhau chúc tết và té nước.

Thông thường, đến ngày thứ năm - sau khi kết thúc mọi hoạt động trong ngày Tết, dân bản tổ chức làm lễ Lắc mẳn (cúng ở gốc cây to) gần lông xân. Lắc theo tiếng Lào dịch ra tiếng phổ thông là gốc cây, mẳn là bền chặt mãi mãi hoặc không bao giờ gẫy. Lắc mẳn là một cây to gần khu vực 09 gian thờ được người Lào (khu lông xân) coi đây là nơi trú ngụ của vị thần có sức mạnh và linh thiêng nhất đối với dân bản, vị thần này đem lại sức khỏe, sự an lành cho con người và bảo vệ mùa màng giúp dân bản có cuộc sống ấm no. Xưa kia thời còn chiến tranh, những gia đình có con đi bộ đội, mỗi tháng lần lượt các gia đình mang 01 con gà và áo của người đi bộ đội vào rừng làm cúng tại Lắc mẳn để cầu mong thần linh phù hộ cho thân nhân của họ. Cho đến nay thế hệ người Lào vẫn nối tiếp duy trì tổ chức Lắc mẳn, họ tổ chức 2 lần/năm tức 6 tháng/lần.

Dịp Tết, vào những năm được dân bản cho là năm hạn hán, ít mưa như năm con ngựa, năm con dê, người Lào ở Na Sang 1 tổ chức “Xó nặm phạ phốn” (dịch nghĩa là xin nước mưa của trời, hay còn gọi là cầu xin trời cho mưa xuống, gọi ngắn gọn là lễ cầu mưa). Thực tế thì lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ chính của Bun huột nặm. Hơn nữa, Tết của người Lào được tổ chức vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho chu kỳ sản xuất nông nghiệp, thời điểm đã phát nương, đốt nương, làm đất, chọc lỗ, tra hạt, rất cần mưa xuống để hạt giống nảy mầm. Vì thế cầu mưa để cầu xin trời đất, tổ tiên, các vị thần linh ban cho những trận mưa để hạt nảy mầm, để cây xanh lá, vạn vật sinh sôi nảy nở...

Như vậy, thời gian tổ chức Bun huột nặm nhiều năm qua đã theo người Kinh, tuy nhiên hiện nay đang có dấu hiệu phục hồi - trở về với thời gian của tết Lào. Bởi từ năm 2015 đến nay, người Lào tổ chức cúng bản vào dịp Tết nguyên đán của người Việt để con cháu đi học, đi xa về cùng tham gia; còn lại Lễ cúng tổ tiên, Lễ cầu mưa và các trò chơi dân gian, té nước được tổ chức vào dịp Tết Lào (theo lịch Lào - thời điểm kết thúc mùa khô chuyển sang mùa mưa). Bun huột nặm truyền thống của người Lào mặc dù vẫn được duy trì tổ chức các hoạt động nhưng đang được chia làm 02 khoảng thời gian trong năm để tổ chức tức đã có sự biến đổi về cách thức tổ chức, nhưng vẫn đảm bảo sức sống của di sản. Mọi hoạt động trong lễ hội đang có sự kế thừa, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và được duy trì tổ chức hàng năm. Nếu trước đây người Lào chỉ làm Lễ cầu mưa vào những năm được cho là hạn hán thì ngày nay năm nào bà con cũng thực hiện nghi thức này - một phần do biến đổi khí hậu ngày càng nắng nóng, mặt khác là để cầu mùa được thuận lợi, tươi tốt và ẩn sau đó là việc phát huy các giá trị của di sản.

Trong những năm gần đây, Bun huột nặm của người Lào không chỉ được dân bản tổ chức theo định kỳ mà còn trình diễn tại các ngày hội trong và ngoài tỉnh. Qua đó, văn hóa đặc trưng của người Lào được tái hiện lại ở những không gian văn hoá khác nhau để giới thiệu tới đông đảo công chúng; đồng thời thể hiện sự sáng tạo không ngừng của các chủ thể văn hoá đối với việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.132.444
Online: 69