Đồng bào Hà Nhì ở tỉnh Điện Biên với tên tự gọi là “Hà Nhì Già”, các tên gọi khác: U Ní, Xá U Ní; có 2 nhóm chính là Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Tại tỉnh Điện Biên, người Hà Nhì sinh sống chủ yếu ở 21 bản, thuộc 4 xã vùng giáp biên của huyện Mường Nhé, gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn.
Hiện nay dân tộc Hà Nhì vẫn còn lưu giữ được rất nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, mang đậm bản sắc riêng. Một trong những hoạt động văn hóa của dân tộc Hà Nhì là các lễ hội truyền thống. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, gắn liền với quá trình phát triển dân tộc Hà Nhì, trong đó tiêu biểu là Tết truyền thống (Khụ Sự Chà) được lưu truyền qua nhiều thế hệ và duy trì tới ngày nay.
Cũng như hầu hết tết truyền thống của cộng đồng các dân tộc khác, tết truyền thống Hà Nhì là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Khụ Sự Chà còn là dịp để mọi người về đoàn tụ, cùng ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động vất vả, cùng vui xuân, sum vầy bên mâm cỗ, nâng chén rượu mừng chúc nhau những điều tốt đẹp cho một năm mới, mong cho con cháu sức khỏe dồi dào, cuộc sống bình yên, từ đó tạo khí thế và hy vọng vào năm mới có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dân tộc Hà Nhì ăn tết năm mới theo lịch của dân tộc mình và đón Tết trong ba ngày theo nghi thức truyền thống. Các gia đình chuẩn bị lễ vật cúng mời tổ tiên về mừng năm mới và tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn. Theo truyền thống, người Hà Nhì La Mí ăn Tết vào ngày Thìn (con Rồng), còn người Hà Nhì Cồ Chồ sẽ ăn Tết vào ngày Dần (con Hổ) của tháng đó. Như vậy, nhóm Hà Nhì Cồ Chồ sẽ ăn tết trước nhóm Hà Nhì La Mí khoảng ba ngày.
Để đón tết cổ truyền vui vẻ, đầy đủ theo truyền thống, các gia đình trong bản phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ lễ dâng cúng tổ tiên ngay sau khi thu hoạch mùa màng xong. Các lễ vật được chuẩn bị gồm: Bánh trôi, bát rượu, lợn, bát nước trắng, bát nước chè.
Đến thời khắc đêm giao thừa, theo phong tục mỗi gia đình sẽ cử một người đi lấy nước lộc với quan niệm lấy sự may mắn cho gia đình trong năm mới. Trong ngày đầu tiên, từ sáng ngày mồng một tết, các gia đình sẽ làm bánh trôi để cúng mời tổ tiên, sau đó mới thịt lợn và tiến hành nghi thức cúng chính của ngày tết trong năm. Theo quan niệm của dân tộc Hà Nhì, đây là nghi thức để thông báo với tổ tiên về việc năm hết tết đến, đồng thời coi đây là món ăn lót dạ cho tổ tiên khi về ăn tết cùng con cháu. Bánh trôi được làm từ bột nếp nương, rất dẻo và thơm. Chủ nhà sẽ phải nặn ba chiếc bánh thật to, tròn đều, đem nấu chín trước, vớt ra một tấm lá chuối tươi, rắc thêm một chút bột vừng rang chín thơm, đặt lên mâm và bưng vào gian thờ cúng gia tiên để chủ nhà sẽ làm lý cúng. Người Hà Nhì quan niệm rằng, tổ tiên là các đấng bề trên đáng kính, bánh dâng cúng phải to hơn bánh thường thì mới thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên.
Mâm cúng được đặt trước bàn thờ tổ tiên. Nơi thờ tự tổ tiên khá đơn giản, có khi chỉ là một ống nứa, một chiếc sọt nhỏ đan mắt cáo (kha chí) gài vài bông lứa mới, và một đôi đũa (ha tỳ pá ta). Đối với dân tộc Hà Nhì việc cúng lễ tổ tiên trong ngày Tết không bắt buộc phải là người vợ hay người chồng, nhưng do đàn ông hay công tác, làm ăn xa, nhiều khi không kịp về nhà trong ngày tết nên thường để cho phụ nữ cúng là chính. Vì vậy phụ nữ Hà Nhì khi đi làm dâu giữ vai trò quan trọng trong gia đình chồng và được nhà chồng quý mến, yêu thương như con gái. Trong lễ cúng tết cũng như nhiều nghi lễ của dân tộc Hà Nhì không thắp hương. Đồ dâng cúng bánh trôi chỉ có ba cái bánh trôi với một hoặc hai đôi đũa (nếu chỉ có bố hoặc mẹ mất thì dùng một đôi, nếu cả hai đã mất thì dùng hai đôi đũa). Sau khi bày xong, chủ nhà tiến hành khấn mời tổ tiên.
Dân tộc Hà Nhì quan niệm, nhà nào làm bánh trôi cúng sớm nhất thì chứng tỏ sự đảm đang, khéo léo của phụ nữ trong gia đình và sẽ gặp may mắn trong năm. Sau lễ cúng bánh trôi, các thành viên trong gia đình mới được ăn bánh. Ăn bánh xong, gia đình sẽ tiến hành mổ lợn để có thịt dâng mời tổ tiên, vừa làm thực phẩm ăn tết và mời khách.
Với dân tộc Hà Nhì lễ vật dâng cúng tết năm mới không thể thiếu con lợn. Đồng bào quan niệm, lợn là con vật rất gần gũi và quan trọng trong đời sống, thể hiện sự sung túc của một năm lao động vất vả và mang lại may mắn cho năm mới. Do đó, trong ngày tết, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc phải có. Gia đình nào vì hoàn cảnh khó khăn không mổ được lợn sẽ phải đi xin của anh em về để làm lý. Lợn mổ để ăn tết sẽ chỉ được mổ trong ngày đầu tiên hoặc ngày thứ ba, tuyệt đối không được mổ vào ngày thứ hai vì ngày đầu tiên ăn tết là ngày Thìn (Rồng) thì ngày thứ hai của tết sẽ là ngày Tỵ (Rắn) mà Tỵ (Rắn) xung khắc với Hợi (Lợn). Nếu mổ lợn vào ngày xung khắc như vậy họ cho rằng sau này sẽ không nuôi lợn được nữa.
Sau khi khấn để tiến hành mổ lợn, chủ nhà tay cầm bát nước đổ lên phần cổ của con lợn để thể hiện sự sạch sẽ khi thịt con lợn để có đồ lễ dâng cúng tổ tiên. Bát nước đó khi đổ đi cũng là mong muốn những điều không may mắn của năm cũ sẽ qua đi và một năm mới bắt đầu sẽ tốt đẹp hơn. Theo người Hà Nhì nước thể hiện cho sự sạch sẽ và tinh khiết.
Khi mổ lợn đón tết, dân tộc Hà Nhì có nghi thức xem gan lợn để dự đoán cuộc sống trong năm mới. Nếu gan lợn lành lặn, màu sắc tươi thì tốt, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi mới phát triển, gia đình sẽ gặp may mắn. Ngược lại bộ gan có màu không như mong muốn và túi mật nhỏ thì báo hiệu năm đó gia đình gặp khó khăn trong lao động sản xuất cũng như cuộc sống, do đó chủ nhà sẽ nhắc nhở con cháu phải cố gắng hơn nữa trong vụ mùa năm mới. Con lợn sau khi thịt, một phần thịt được chế biến dâng cúng tổ tiên, số thịt còn lại được chế biến thành các món ăn đãi mời khách đến thăm chúc tết gia đình. Phần thịt lợn để dâng cúng mời tổ tiên đầu năm được cắt mỗi thứ một ít (gan, ruột non, phần thịt thăn), đem luộc riêng. Sau khi thịt đã chín, chủ nhà chuẩn bị mâm cúng gồm: Một bát nước trắng; một bát nước chè; một bát rượu; bát thịt lợn đã được luộc chín; một bát cơm (có thể là cơm nếp hoặc cơm tẻ); hai đôi đũa (hai đôi đũa này để cho bố và mẹ đã mất). Nếu trong gia đình chỉ có người bố hoặc mẹ mất thì chỉ cần một đôi đũa.
Chủ nhà bưng mâm lễ đặt trên phía trên đầu giường gia chủ, nơi gần với bàn thờ tổ tiên và quỳ trước mâm cúng, tiến hành khấn mời tổ tiên về hưởng đồ lễ, vui tết với con cháu.
Sau khi khấn mời kết thúc, chủ nhà lấy một ít đồ lễ trên mâm cúng bỏ xuống đầu giường, đồng bào quan niệm rằng đó là hành động mời tổ tiên thể hiện sự thành tâm, tôn trọng của con cháu.
Phần cúng kết thúc tất cả mọi người trong gia đình sẽ tập trung trước bàn thờ tổ tiên để lạy chào tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu năm mới sức khỏe và sự may mắn. Chủ nhà sẽ là người lạy tổ tiên trước, sau đó lần lượt vợ chủ nhà và các con cháu đến quỳ lạy lần lượt mỗi người lạy 3 lạy. Đây là nghi thức quan trọng, thể hiện sự biết ơn của con cháu với tổ tiên, ông bà.
Sáng mùng một sau khi làm lý, mọi người sẽ đi chúc tết nhau, nhưng dân tộc Hà Nhì kiêng kỵ người phụ nữ không được vào nhà trước, chỉ có đàn ông mới được mời vào nhà đầu tiên và tự mời một chén rượu may mắn. Thông thường, sáng ngày mùng một tết con cháu nội, ngoại đều đến chúc tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên. Khi con cháu ra về thường được ông bà, bố mẹ tặng cho một con gà để cầu năm mới làm ăn phát đạt, nhà đầy thóc, lợn gà đầy chuồng.
Sang ngày tết thứ hai, các gia đình vẫn tổ chức vui chơi thăm hỏi chúc tết nhau. Các ông già và người cao tuổi thường nâng chén chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, các bà các chị say sưa với những câu hát dân ca, nam nữ thanh niên thì đắm mình trong các điệu múa còn các em nhỏ mải mê với các trò chơi dân gian truyền thống. Tất cả tạo nên bức tranh tết nhộn nhịp vui tươi đầy màu sắc
Ngày tết thứ ba cũng là ngày cuối cùng, các gia đình vẫn còn nhộn nhịp khách ra vào chúc tết, không khí vui tươi của ngày tết vẫn không hề giảm, những canh hát trao duyên còn dở dang, những điệu múa còn chưa đến hồi kết. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, các hoạt động mới thưa dần, mọi người trở về nhà nghỉ ngơi sau những ngày đón tết, họ không quên hẹn hò nhau đến tết sau lại cùng vui hát múa.
Khi tham gia lễ tết của dân tộc Hà Nhì, mọi người không chỉ được tham gia ngày lễ tết độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào mà trong đây còn là dịp trải nghiệm nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, thưởng thức các món ăn truyền thống với cách chế biến và gia vị đặc trưng. Ngoài ra ngày tết không thể thiếu món cháo được chế biến từ gạo nếp, rau cải nương, hạt thảo quả nấu trong nước luộc thịt lợn. Đây là món ăn ngon, bổ dưỡng và dễ ăn để giải rượu.
Như vậy, tết của người Hà Nhì diễn ra thật nhẹ nhàng đầm ấm, nhộn nhịp mà không xô bồ. Ở đó những nét đẹp truyền thống được biểu đạt qua tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên, ông bà và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị nơi miền sơn cước./.