Phụ nữ Pháp ở Điện Biên Phủ không nhiều, ngoại trừ nữ thư ký của De Castries có mặt ở đây ngay từ những ngày đầu tiên khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm, nhưng lại là một trong số những người di tản về hậu cứ sớm nhất thì tuyệt nhiên chỉ còn lại Geneviève de Gallard, nữ y tá bất dắc dĩ của mặt trận Điện Biên Phủ. Cũng như đa số lính Pháp khi thất trận, cô trở thành tù binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là nữ tù binh duy nhất tại Điện Biên Phủ.

Chiều 07/5/1954, ta kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ bằng việc tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và bắt sống toàn bộ quân Pháp bao gồm Bộ chỉ huy và toàn bộ số lính đồn trú đang đóng tại đây. Trong số tù binh ấy, có một người khá đặc biệt, là tù binh nữ duy nhất nhưng lại nhận được đặc ân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tha sớm nhất và mang nặng tình cảm với Việt Nam cho đến cuối đời.

Người phụ nữ đó là Geneviève de Gallard, khi tham gia trận Điện Biên Phủ chừng 30 tuổi, là một tiếp viên hàng không. Cô được đưa lên Điện Biên Phủ với nhiệm vụ tải thương, làm việc trên các chuyến bay đưa thương, bệnh binh từ Điện Biên Phủ về Hà Nội. Chuyến bay ngày 31/3/1954 của cô đã không thể về Hà Nội, cô trở thành 1 trong hơn 10.000 lính Pháp ở lại Điện Biên Phủ hoặc sẽ chiến thắng, hoặc là kẻ bại trận. Từ đây cô thực hiện nhiệm vụ của một y tá mặt trận chạy khắp chiến trường đầy bom đạn và sự chết chóc để thu lượm, sơ cứu và vận chuyển thương binh về các trạm phẫu thuật dã chiến phía sau.

Từ giữa trận chiến, khi mất dần các cứ điểm quan trọng, trận địa của Việt Minh ngày càng được mở rộng bằng những tính toán quân sự, chiến lược quan trọng, Việt Minh đã tạo được lợi thế ngay từ đầu. Không nhận ra được những nhược điểm của "con nhím" Điện Biên Phủ, quân Pháp dần sa lầy vào cái bẫy do chính họ tạo ra. Cuộc sống chui cùng cực, chui rúc, thiếu lương thực, nước uống, thuốc men; bệnh tật, ròi nhặng, bùn lầy hành hạ khiến lính Pháp "sống không bằng chết". Con đường tiếp viện duy nhất bằng hàng không vốn uy lực trước đó bị tê liệt hoàn toàn trước sức mạnh pháo binh của Việt Nam, khiến cho không chỉ lính Pháp mà Bộ chỉ huy cũng như toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mất dần sức chiến đấu, suy yếu và chờ đợi ngày tàn trong tuyệt vọng. Cũng như tất cả lính Pháp, Geneviève de Gallard sống và làm việc trong những điều kiện thiếu thốn và khó khăn, có chăng là thái độ tích cực và lạc quan của cô đã tác động mạnh tới tinh thần binh sĩ. Cô thường xuyên an ủi những người sắp chết và luôn duy trì sự cứng rắn, dũng cảm khi đối mặt với thương vong, thất bại ngày một gia tăng trước cuộc chiến một mất một còn này.

Ngày 07/5/1954 cùng với việc để mất cánh cửa cuối cùng trong dãy phòng ngự phía Đông, Việt Minh chính thức mở đợt tổng tiến công nhằm kết thúc chiến dịch quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Từ bốn phía, các cánh quân tiến thẳng hầm chỉ huy quân địch, tiêu diệt xào huyệt cuối cùng, mục tiêu cao nhất là bắt sống De Castries. Không như những gì De Castries hứa với cấp chỉ huy của mình trước đó, chẳng có sự chống trả nào, cũng chẳng có "cái chết danh dự" như chỉ huy pháo binh Piroth đã từng làm trước đó, Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bình thản cúi đầu đầu hàng, với một động thái duy nhất là cố tiêu hủy những tài liệu quan trọng, không để rơi vào tay Việt Minh. Nhiều tài liệu có ghi lại rằng Geneviève de Gallard có mặt trong số những người bị bắt tại hầm chỉ huy, vì trước đó cô được triệu tập về đây theo lệnh của De Castries.

Nhờ chính sách khoan hồng của Việt Nam, rất nhiều trại tù binh được lập khắp mọi nơi ngoài chiến trường cùng với những trại cứu thương. Rất nhiều thương binh địch gần hai tháng chất trong những căn hầm chật chội u ám, ngột ngạt, đầy ròi bọ dưới lòng đất đã được đưa lên để điều trị, cứu chữa. Ngay sau khi bị bắt, Geneviève de Gallard và các bác sĩ Pháp đã cùng với các bác sĩ Việt Nam chăm sóc cho số tù binh bị thương. Chính cô đã mạnh dạn viết thư cho Hồ Chủ tịch xin được ân xá và đã được chấp thuận.

Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/5/1954 tất cả thương binh nặng và Geneviève de Gallard được lên máy bay rời Điện Biên Phủ về Hà Nội trong niềm vui sướng vô bờ. Trước đó cô đã gửi tiếp thư cám ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghĩa cử quân đội Việt Nam đã đối xử tử tế, chăm sóc chu đáo thích đáng  đối với tù binh, thương binh  Pháp. Tại  sân bay Gia Lâm, G.Gallard đã trả lời phỏng vấn báo chí: “ Nếu biết được lòng khoan dung của Cụ Hồ và nhân dân Việt Nam thì tôi đã xin làm tù binh sớm hơn”.

Trở về Pari, Geneviève de Gallard được tổng thống Eisenhower biểu dương và trao huân chương Tự do. Geneviève de Gallard kết hôn hai năm sau đó và sống cuộc sống bình dị của một người phụ nữ bình thường. Tháng 11/2003, Geneviève de Gallard cho ra đời cuốn sách "Một phụ nữ ở Điện Biên Phủ” trong đó có đoạn: “Từ lâu, tôi ao ước được quay lại Việt Nam. Gần đây tôi biết Việt Nam đã thực hiện những nỗ lực cải cách. Qua một số bộ phim, tôi lại được thấy Điện Biên Phủ tươi đẹp hơn. Thời gian trôi qua, những ký ức về Điện Biên Phủ vẫn sống mãi trong lòng tôi”.

Nhiều năm sau cuộc chiến, sự kiện Điện Biên Phủ vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người Pháp. Rất nhiều trong số đó đã trở lại Việt Nam, đặt chân trở lại Điện Biên Phủ để hồi tưởng lại những ngày tháng mình đã sống, đã chiến đấu như thế nào, để thấy số phận mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi vĩnh viễn nằm lại đây. Cũng không ít bài báo, cuốn sách, hồi ký của các tướng tá, sĩ quan Pháp, những con người đã trực tiếp gây chiến, tham chiến và bản thân họ cũng bị ám ảnh một cách nặng nề về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà họ đã tiến hành ở Điện Biên Phủ. Với Geneviève de Gallard, bà đã sống những ngày tháng ở Điện Biên Phủ trở nên đáng sống, là những ký ức đẹp đẽ trong suốt những năm sau này./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 10.153.995
Online: 103