Điện Biên nơi hội tụ của 19 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số, khoảng 36% trong tổng số gần 60 vạn dân của tỉnh. Từ xa xưa, đồng bào Thái nơi đây đã dựng bản, lập mường, trải qua bao thăng trầm họ đã xây dựng và gìn giữ cho dân tộc mình một nền văn hóa phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Điện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, cộng đồng dân tộc Thái gồm 2 nhóm ngành: Thái Đen và Thái Trắng. Đồng bào Thái trắng sống chủ yếu tập trung ở thị xã Mường Lay, huyện Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé. Còn đồng bào Thái Đen thì tập trung ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo. Đặc điểm nhận dạng dân tộc Thái Trắng và Thái Đen ở miền Tây Bắc chủ yếu ở trang phục của phụ nữ.
Qua quá trình sinh sống, lao động, sản xuất, dân tộc Thái nói chung, ngành Thái đen nói riêng đã tạo dựng được những nét văn hóa độc đáo riêng có, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng. Trong văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen, trang phục thầy cúng nữ chứa đựng những giá trị đặc sắc.
Cho đến ngày nay, người Thái vẫn giữ nghề trồng bông, dệt vải truyền thống để khâu, may trang phục riêng cho dân tộc mình. Cũng như các loại trang phục truyền thống khác, quá trình tạo nên bộ trang phục thầy cúng nữ tương đối kỳ công, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật và mất nhiều thời gian, công sức từ đo, cắt, khâu, thêu thùa và chắp nối các mảnh vải lại với nhau. Theo quan niệm của dân tộc Thái, trang phục của thầy cúng phải do tự tay thầy cúng khâu và trang trí.
Bộ trang phục gồm có: Áo, váy, thắt lưng và khăn đội đầu. Tất cả đều được làm từ sợi cây bông, sau đó dệt vải, nhuộm chàm, khâu và trang trí để tạo thành một bộ trang phục hoàn chỉnh.
Áo: thuộc áo dáng dài, màu đen, cổ tròn cao, cúc cài chéo bằng 5 chiếc cúc chất liệu kim loại, khuy vải, xẻ tà 2 bên, phía trong tà áo được nẹp bằng các khổ vải hoa văn sọc ngang, màu đỏ, xanh, vàng…
Váy: được khâu thủ công từ 2 khổ vải bông nhuộm chàm. Phần gấu váy được táp 1 khổ vải đen trên có trang trí các đường chỉ màu xanh, đỏ, vàng...
Khăn: được khâu thủ công, gồm 2 phần: Phần đội đầu may theo dạng hình chóp có lớp bên trong là vải bông nhuộm chàm, lớp ngoài được may bằng các khổ vải hình tam giác màu trắng, đỏ, đen, xanh... tạo thành các ô vuông, viền trang trí bằng các dải vải màu vàng, đỏ, trắng, các hoa văn hình trám, hình núi, hình hoa. Phần thân có lớp trong may bằng vải bông màu trắng, lớp ngoài được may bằng các khổ vải kẻ ngang màu đỏ, vàng, trắng, tím. Hai bên viền được may 4 khổ vải màu xanh, cam có trang trí họa tiết hình hoa lá. Cuối thân tách làm 2, tạo thành 2 hình tam giác táp 2 khổ vải vàng và xanh được trang trí 2 túm tua. Dọc thân khăn được trang trí nhiều tua cấu tạo bởi các hạt cườm nhựa và các sợi len nhiều màu sắc.
Thắt lưng: là một bộ phận trong trang phục thầy cúng nữ dân tộc Thái, có màu tím, được dệt từ sợi tơ tằm mỏng. Ở 2 đầu được khâu một khổ vải 2 lớp bằng vải dệt công nghiệp màu đỏ, xung quanh được khâu viền bằng sợi chỉ đỏ.
Bộ trang phục được thầy cúng (nữ) mặc mỗi khi làm lễ, xem vận hạn cho dân bản. Gắn với các nghi thức tâm linh, trang phục thầy cúng nữ đã trở thành nét đẹp tiêu biểu trong bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nói riêng và bản sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung.
Theo tiến trình lịch sử của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng trong cộng đồng dân tộc Thái đen Điện Biên đã bồi lắng, kết tụ, tạo nên những giá trị di sản văn hóa quý báu. Đó cũng chính là động lực để khai thác tiềm năng "văn hóa Thái" vào công cuộc xây dựng nền văn hóa thống nhất, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.