Những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, Ngành, Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh trong việc triển khai “Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Sau 05 năm thực hiện Đề án (giai đoạn 2016 - 2020), tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể:

Việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai thực hiện đồng bộ với nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương, cụ thể:

-  Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích: Tỉnh Điện Biên có 06 di tích được cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định xếp hạng (gồm 02 di tích cấp quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh).Tính đến tháng 8/2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 24 di tích được xếp hạng (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh).   

-  Công tác khoanh vùng, cắm mốc các khu vực bảo vệ di tích: Năm 2016 thực hiện cắm mốc khoanh vùng bảo vệ cho di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (45 mốc).  Năm 2017 thực hiện cắm 191 biển báo, biển chỉ dẫn tới các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

- Công tác trùng tu, tôn tạo di tích tiếp tục được đầu tư nhằm bảo vệ nguyên trạng, chống xâm hại, xuống cấp và phát huy giá trị các di tích triển khai với quy mô lớn, một số Dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã thực hiện như: Bảo tồn, tôn tạo di tích tháp Mường Luân, di tích Tháp Chiềng Sơ, Hang Mường tỉnh, tại huyện Điện Biên Đông; động Pa Thơm huyện Điện Biên; Di tích thành Bản phủ tại huyện Điện Biên; hang động Xá Nhè và Khó Chua La, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

 Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1220/TTg-KGVX ngày 02/10/2019 về việc thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số Dự án như: Dự án xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; Dự án Khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc, giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các điểm di tích thuộc Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030...

 Tiếp tục triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo di tích khu trung tâm đề kháng Him Lam.

 Tổ chức bảo trì, sửa chữa thường xuyên một số điểm di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ tại khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng; Di tích đồi A1; cầu Mường  Thanh; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; cải tạo, sửa chữa Khu thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng...) nhằm phục vụ lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

- Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh: UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; tiến hành kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm, sử dụng đất tại một số di tích.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý di sản văn hóa, trong đó trọng tâm là công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển lãm, quảng bá, giới thiệu hiện vật gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương tại một số tỉnh như: Nghệ An, Bình Định, Hậu Giang, Cà Mau...

- Công tác sưu tầm hiện vật đã được tổ chức thực hiện hàng năm. Hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ phát động hiến tặng tư liệu, tài liệu, hiện vật, kỉ vật liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trưng bày nhằm phát huy giá trị.

Từ năm 2016 đến tháng 7/2020 tổng số hiện vật được sưu tầm là 1.063 hiện vật; trong đó Bảo tàng tỉnh sưu tầm được 628 hiện vật, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sưu tầm được 435 hiện vật. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng mục hiện vật thuộc chuyên mục di sản văn hóa trên Cổng thông tin điện tử của Sở nhằm đăng tải, giới thiệu nội dung, ý nghĩa và giá trị của các hiện vật của Bảo tàng.

Đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể:

-  Tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và một số tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ di sản  “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, di sản “Nghệ thuật xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nghệ thuật Xòe Thái” . Đến nay, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào  Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm triển khai thực hiện: Đã tiến hành kiểm kê chi tiết về văn hóa  07 dân tộc:  Khơ Mú, Tày, Nùng, Mường, Thổ, Dao, Mông (gồm ngành Mông xanh và Mông đen). Tổ chức lập 06 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến tháng 8/2020, toàn tỉnh có 09 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,

- Công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm. Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Điện Biên có 20 cá nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đến nay, tỉnh Điện Biên có 28 cá nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

- Công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện:

 Đã thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có dân tộc Cống và Si La góp phần bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Các dân tộc đã được hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là Nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục truyền thống.

 Đã tiến hành bảo tồn một số di sản từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như: "Lễ cúng bản"  của dân tộc Khơ Mú tại bản Suối Lư, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông; "Lễ cầu mùa" của dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; “Lễ Nhảy lửa” của dân tộc Dao, ngành Dao đỏ tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; “Lễ Cầu mùa” dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo; “Lễ mừng cơm mới” của dân tộc Lào, tại bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông.

Thành phố Điện Biên Phủ đã tổ chức bảo tồn hội Hạn khuống của người Thái tại bản Him Lam II, phường Him Lam và bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái tại bản Noong Chứn, phường Nam Thanh.

 Huyện Điện Biên đã bảo tồn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông; bảo tồn  lễ hội truyền thống của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Lào, Cống;  mở lớp truyền dạy Nghệ thuật Xòe Thái và múa Lăm Vông của người Lào

Thị xã Mường Lay đã bảo tồn di sản: Nghệ thuật Xòe Thái, lễ hội đua thuyền đuôi én.

 Huyện Mường Ảng đã thực hiện bảo tồn Tết Nào pê chầu của người Mông tại các xã tập trung người Mông sinh sống.

- Công tác sưu tầm, bảo tồn và dịch thuật, in ấn tài liệu chữ cổ đang được triển khai thực hiện, đến nay đã sưu tầm được hơn 200 cuốn sách (tài liệu) cổ của các dân tộc Thái, Dao, Lự. Hiện tại, các sách được lưu trữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh.

Đối với công tác phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên đã được quan tâm:

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá di sản văn hóa đã được triển khai. Báo Điện Biên Phủ, cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan đã đăng nhiều tin, bài tuyên truyền. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh sản xuất, khai thác các tin bài dịch ra tiếng Thái, tiếng Mông phát sóng phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử tổng hợp phản ánh về công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế xã hội để tuyên truyền tới  nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 Duy trì và phát huy tốt hoạt động chợ phiên vùng cao như: Chợ Tả Sìn Thàng, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa; chợ Vàng Lếch, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ. Qua đó tạo cơ hội cho cộng đồng có thể phát triển giao thương, buôn bán, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống.

 Các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt các hoạt động cho học sinh tham gia nhằm phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc như: Sưu tầm ca dao, dân ca; tìm hiểu và học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc; tìm hiểu văn hóa ẩm thực; tìm hiểu về cách tổ chức Tết, lễ hội truyền thống; tổ chức Hội diễn văn nghệ, trình điễn trang phục truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian...Khuyến khích các học sinh  tích cực tham gia hoạt động chăm sóc di tích, hoạt động trải nghiệm tại di tích và các Bảo tàng. Công tác giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc cho học sinh, sinh viên đã được lồng ghép trong chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa và các hoạt động tập thể.

Hỗ trợ một số bản văn hóa - du lịch các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên một số kỹ năng nghiệp vụ về du lịch cộng đồng, đào tạo bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về du lịch; tổ chức cho dân bản có những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh.

 Quan tâm đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa thông qua các hoat động văn hóa cơ sở: Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy vai trò của các đội văn nghệ tại các thôn, bản, tổ dân phố trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống. Nhân dân các dân tộc đã tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhiều phong tục, hủ tục rườm rà, lạc hậu đang dần được xóa bỏ, các nghi thức, nghi lễ được rút ngắn đảm bảo tính trang trọng, lịch sự, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Công tác xây dựng hương ước, quy ước đã được triển khai một cách đồng bộ trên địa bàn tỉnh; đưa tiêu chuẩn xây dựng, thực hiện tốt quy ước vào việc bình xét, đánh giá và công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.373 quy ước của thôn, bản, tổ dân phố được xây dựng, phê duyệt.

Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.Tuy nhiên, số lượng nhà văn hóa hiện nay tại cơ sở hiện còn chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều nhà văn hóa đã bị xuống cấp do thời gian sử dụng đã lâu, diện tích nhỏ hẹp không đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa.

Cùng với việc gìn giữ văn hóa các dân tộc, tỉnh Điện Biên đã  làm tốt công tác đảm bảo an ninh xã hội; kịp thời ngăn chặn các loại tà đạo mang bản chất phản động; phát hiện và xử lý các trường hợp thông tin tuyên truyền về mê tín dị đoan, chú trọng xây dựng điểm sáng văn hóa vùng biên... góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ biên cương vững chắc, tạo môi trường sống an toàn cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lan Anh - DSVH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.319.545
    Online: 63