Di tích Trại tập trung Noong Nhai nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 4km theo quốc lộ 279 về phía Nam, thuộc bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Tại đây, 66 năm về trước, hàng trăm người dân vô tội đã ra đi trong vụ thảm sát bằng bom Napaln mà Thực dân Pháp đã ném xuống mảnh đất này.
Ngày 20/11/1953, Thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Ngày 3/12/1953, Navarre đã cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương, án ngữ phía Tây Bắc Việt Nam. Để cai trị những người dân địa phương và làm “bia đỡ đạn” với bộ đội chủ lực Việt Nam, Pháp đã dựng lên một bộ máy cai trị gồm các lực lượng tạo bản, tạo lộng (đơn vị hành chính tương đương xã, phường ngày nay), dân vệ và mật thám. Hàng ngày các đơn vị lính Pháp được phân công phụ trách các bản, nắm lai lịch các gia đình. Ban ngày bắt dân bản đi đào hệ thống công sự, đào hầm. Ban đêm đi tuần tra, giám sát những ai khả nghi sẽ bị đưa về giam giữ, xét hỏi. Đồng thời, trước cảnh lính Pháp ngang nhiên dỡ nhà, phá bản, cướp của, một bộ phận dân cư hoảng sợ đã chạy lánh sang Lào, một số chạy vào vùng đã giải phóng, còn đại đa số người già, phụ nữ và trẻ em bị dồn vào 4 trại tập trung: Trại tập trung Ta Pô, Trại tập trung Pa Luống, Trại tập trung Co Mỵ và Trại tập trung Noong Nhai.
Trại tập trung Noong Nhai gồm nhân dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống do đồn Hồng Cúm phụ trách. Trại được bố trí kéo dài từ bản Noong Nhai đến bản Pom La thuộc xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Cách trung tâm Mường Thanh 4km; phía Bắc giáp bản Ten, phía Nam giáp sân bay Hồng Cúm, cách trung tâm của phân khu Hồng Cúm khoảng 2km; phía Tây giáp sông Nậm Rốm; phía Đông giáp cánh đồng xã Thanh Xương. Với diện tích gần 10 ha Thực dân Pháp đã dồn hơn 3.000 người dân vô tội vào những lán trại bằng tre nứa, lợp rơm rạ, chật hẹp và mất vệ sinh.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ hai (từ ngày 30/3- 30/4/1954), quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ rơi vào thế thất thủ. 14 giờ ngày 25/4/1954, Pháp đã sử dụng 4 máy bay Dakota ném bom Napalm xuống Trại tập trung Noong Nhai khi những người dân nơi đây đang tập trung đưa tang một người dân trong bản. Vụ thảm sát đã làm cho 444 người bị chết cháy. Sức nóng của bom Napalm đã làm cho nhiều người bị cháy xém, không còn nhận ra hình dạng, xác chết nằm ngổn ngang; có những gia đình không còn ai sống sót - đó là nỗi đau, mất mát vô cùng to lớn của người dân Noong Nhai.
Sau khi Thực dân Pháp ném bom xuống Trại tập trung Noong Nhai, lực lượng pháo cao xạ và súng máy phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam nhanh chóng vào vị trí, quan sát, ngắm bắn tiêu diệt được nhiều máy bay của đối phương. Từ phía bản Noong Nhai, lửa bốc lên ngùn ngụt, những đám khói đen đặc cuồn cuộn lan rộng bốc lên cao như những đám mây đen phủ kín bầu trời. Nhận lệnh của cấp trên các chiến sỹ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 tiến vào để cứu những người dân vô tội. Mỗi bộ phận chia thành nhiều tốp nhỏ, vượt qua bức tường lửa lao vào các ngôi nhà sắp đổ sập. Các chiến sỹ khiêng những người bị thương ra suối băng bó, cấp cứu. Những thi hài bị cháy đen được đưa ra lùm cây ven suối phủ dù. Một số người còn sống sót đã chạy sang tạm trú tại trại tập trung Co Mỵ và bản Ten, một số theo bộ đội Việt Nam vào vùng giải phóng còn phần lớn vẫn ở lại trại tập trung Noong Nhai đến khi chiến dịch kết thúc vào ngày 07/5/1954.
Đến năm 1964, nhân kỷ niệm 10 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/1964) để ghi lại sự kiện lịch sử và để tưởng niệm những người dân trong vụ thảm sát, ngành Văn hoá - Thông tin đã xây dựng Nhà lưu niệm trưng bày chứng tích về cuộc thảm sát này. Nhà lưu niệm khánh thành chưa tròn một năm, tháng 4/1965 Quân đội Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Noong Nhai lại một lần nữa bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy. Năm 1984, Khu tưởng niệm Noong Nhai được xây dựng tại khu vực bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên.
Chiến tranh đã đi qua, những nỗi đau, mất mát ở Noong Nhai đã dần được hàn gắn, cuộc sống của người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày, ấm no, hạnh phúc./.