Theo nguồn tin của Cục Di sản văn hóa cho biết: Vào hồi 15 giờ 23 phút ngày 12 tháng 12 năm 2019 giờ địa phương (3 giờ 23 phút ngày 13 tháng 12 năm 2019 theo giờ Việt Nam), tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kết quả đó đem lại niềm vui và động lực cho cộng đồng người Thái và những người làm công tác di sản văn hóa.

Nghệ thuật Then Thái được thực hành vào các dịp khác nhau trong đời sống xã hội của người Thái, bao gồm trong nghi lễ như Then cấp sắc, Then cầu con, Kin pang Then, các lễ xên Then (tức cúng Then) và các làn điệu Then trong các cuộc vui, hội hè...Đây cũng là di sản giữ vai trò quan trọng trong đời sống hôm nay như: đáp ứng nhu cầu tâm linh; phản ánh nhân sinh quan; đạo đức; lối sống; các nghi lễ liên quan đến vòng đời và môi trường sống của cư dân miền núi; những nét đẹp của văn hóa truyền thống; bảo lưu các hình thức nghệ thuật âm nhạc dân gian, dân ca, dân vũ đặc trưng của người Thái. Đặc biệt là khả năng chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần trong nhân dân; đề cao truyền thống giáo dục gia đình, cố kết cộng đồng, thôn, bản thu hút, khuyến khích giới trẻ quan tâm, tự nguyện nghiên cứu, tìm hiểu di sản.

Với loại hình nghệ thuật Then Thái, thầy Then là những người đặc biệt trong cộng đồng, có năng lực giao tiếp với thế giới siêu nhiên, có khả năng hát then, đàn tính. Lễ được tổ chức do thầy Then làm chủ lễ (chủ lễ gọi là Chảu Then). Lời khấn, lời hát trong nghi lễ của thầy Then không lưu giữ bằng văn bản mà nằm trong tâm thức của các ông (bà) Then và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nội dung của việc thực hành di sản Then đã phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới, v.v. Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình.Theo quan niệm của người Thái, trên Mường Trời có Mường Một là mường dành riêng cho các Then (quan hộ giá cho các then trần gian); các quan Then có nhiệm vụ giám sát, phán xét những việc đúng, sai, giúp đỡ người trần gian có cuộc sống yên ổn, ấm no, hạnh phúc.

Nghệ thuật Then Thái là loại hình nghệ thuật tổng hợp vì đây là di sản chứa đựng cả kho tàng về Tri thức dân gian, Nghệ thuật trình diễn dân gian cũng như mang đậm sắc màu về tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái, đặc biệt là người Thái Trắng. Đó là những tri thức về quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái; qua việc thực hành nghi lễ Then cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn, gìn giữ những tập tục tốt đẹp của dân tộc. Điều đáng nói là Nghệ thuật Then Thái có sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa khả năng đặc biệt của chủ thể thực hành di sản về việc ứng biến các giai điệu Then phù hợp với ngữ cảnh, nội dung nghi lễ hòa lẫn với âm thanh trầm bổng của Tính Tẩu.

Hiện nay, di sản Then Thái chủ yếu được các thầy Then trực tiếp tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Bởi đây là loại hình di sản đặc thù, phụ thuộc vào những người có khả năng thực hành Then - đó là sự thành thạo về khả năng dẫn dắt thực hiện các nghi lễ, sự ứng biến về các điệu Then kết hợp với sử dụng Tính tẩu. Đây là di sản mà không phải ai cũng có thể thực hành, sẽ dẫn đến nguy cơ bị mai một, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ đã tác động lên mọi mặt đời sống kinh tế - văn hóa -  xã hội, trong đó có văn hóa truyền thống. Do vậy cần có các giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Then Thái tỉnh Điện Biên, đó là:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di sản Thực hành Then của người Thái trong đời sống xã hội cũng như trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

-  Thông qua cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và  Du lịch cần tích cực đăng tải các bài viết, video, hình ảnh; giới thiệu các nghệ nhân am hiểu, nắm giữ, thực hành và truyền dạy về Then Thái.

- Tổ chức trình diễn Nghệ thuật Xòe Thái lồng ghép trong các Ngày hội, lễ hội hoặc các hoạt động văn hóa của Trung ương và địa phương để quảng bá, giới thiệu giá trị, vẻ đẹp của di sản Then Thái.

- Tuyên truyền tới các nghệ nhân tích cực, chủ động trong việc truyền dạy, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là di sản Then Thái.

2. Tiếp tục triển khai Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn di sản thực hành Then Thái.

3. Tăng cường trình diễn và nhân rộng số lượng chủ thể tham gia thực hành di sản Then Thái tại cộng đồng.

4. Quan tâm tới các nghệ nhân - những người trực tiếp nắm giữ, thực hành và truyền dạy thực hành Then Thái; tiếp tục triển khai việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh Điện Biên đã có 28 Nghệ nhân ưu tú, trong số 15 Nghệ nhân ưu tú là người Thái đã có 02 Nghệ nhân ưu tú nắm giữ, thực hành Then. Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong những năm qua đã kịp thời tôn vinh các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nói cung, Thực hành Then Thái nói riêng; đồng thời động viên, khích lệ các nghệ nhân có nhiều cống hiến hơn nữa đối với việc gìn giữ, bảo vệ di sản.

6. Chính quyền địa phương cần quan tâm tổ chức các lớp tập huấn hát Then đàn tính tại cộng đồng.

7. Phát huy giá trị Then Thái gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, cụ thể: Có thể xem xét xây dựng mô hình bảo tồn di sản thực hành Then ngay tại nhà của các thầy Then vào một thời điểm nhất định bởi nơi đây gắn với không gian, tín ngưỡng thờ Then. Bên cạnh đó kết hợp với việc hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch để có thể phục vụ du khách ngay tại cộng đồng.

 8. Hướng tới xây dựng và triển khai Dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục quốc gia trên địa bàn tỉnh, trong đó có lễ Kin pang Then.

9. Triển khai Kế hoạch số 2165/KH-UBND ngày 23/7/2019 của UBND tỉnh Điện Biên về việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó bảo tồn được trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và dân tộc Thái nói riêng để tham gia trình diễn di sản Thực hành Then của người Thái.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.135.846
    Online: 52