Chiều 4/12, tại thành phố Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) có buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên nhằm đánh giá kết quả các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG có đồng chí Phạm Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Trưởng đoàn công tác; các thành viên Đoàn công tác; về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Lê Thành Đô – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan.
Tại hội nghị, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG cùng với lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở đã tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Tình hình công tác TT&TT và kết quả xây dựng Chính quyền điện tử năm 2020, 01 năm thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh về Hợp tác phát triển TT&TT.
Theo đó, tính đến hết tháng 11/2020, trên địa bàn tỉnh chưa có huyện đạt huyện NTM, có 02 đơn vị cấp huyện đang hoàn thiện các tiêu chí để xét, công nhận địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (thị xã Mường lay và Thành phố Điện Biên Phủ). Toàn tỉnh đã công nhận 33/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; trong đó có 19 xã đạt chuẩn NTM và 14 xã cơ bản đạt chuẩn NTM. Ước đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM (đạt 18,26%), 22 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 30 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 42 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 11,7 tiêu chí/xã. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Điện Biên lựa chọn 01 xã để xây dựng xã NTM, xã NTM kiểu mẫu và ước đến hết năm 2020 sẽ có 01 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Thực hiện Đề án 29 xã biên giới, hiện nay, toàn tỉnh đã có 08 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, đạt 114% so với mục tiêu đề án.
Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đến nay, toàn tỉnh còn hơn 43.000 hộ nghèo, giảm 15,09% so với năm 2015. Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 29.93% ước đạt 120.27% đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 38,25 triệu đồng/người/năm… Toàn tỉnh hiện còn 07 huyện nghèo giai đoạn 2017-2020, trong đó 05 huyện nghèo thuộc nhóm 1, 02 huyện nghèo thuộc nhóm 2; 97 xã đặc biệt khó khăn và 2 thôn bản đặc biệt khó khăn hưởng chính sách Chương trình 135.
Triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh về Hợp tác phát triển TT&TT ngày 26/12/2019 đã góp phần thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực TT&TT trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Điện Biên đã quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử, Hiện đại hóa hành chính, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch, tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi, hạ tầng CNTT được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu, ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan và phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai tích cực. Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng viễn thông, Internet được mở rộng là nền tảng để phát triển công nghệ số, hạ tầng của cách mạng công nghiệp 4.0… Mục tiêu đến năm 2025 công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi và trở thành một lĩnh vực kinh tế có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm QP-AN, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, kết hợp với từng bước xây dựng đô thị thông minh...
Bộ TT&TT trao tặng phương tiện nghe - xem và máy tính cho các xã nghèo trên địa bàn tỉnh
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đã chia sẻ những khó khăn với tỉnh Điện Biên, mặt khác chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục quan tâm ưu tiên kinh phí tập trung thực hiện các chương trình; chọn những địa bàn triển khai các chương trình cho hợp lý, phù hợp; Sở TT&TT tham mưu cho UBND tỉnh rà soát lại các chương trình về TT&TT; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần triển khai nhiều giải pháp đa dạng hóa sinh kế cho người dân…
Lãnh đạo Bộ TT&TT và UBND tỉnh ký hợp tác về lĩnh vực TT&TT
Về phía tỉnh Điện Biên, lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên kinh phí, tăng thêm mức hỗ trợ đầu tư thực hiện các chương trình MTQG; sớm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù thực hiện Chương trình MTQG năm 2021… Đề nghị Ban Chỉ đạo sớm thống nhất kiện toàn bộ máy tham gia giúp việc các chương trình MTQG cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng chuyên trách…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng đoàn công tác chúc mừng những kết quả bước đầu mà tỉnh Điện Biên đã đạt được trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG. Đồng thời cũng đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp hạ tầng CNTT; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT hoạt động hiệu quả… Trước những khó khăn của tỉnh, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG sẽ bố trí vốn ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Điện Biên thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Điện Biên đã ký hợp tác về lĩnh vực TT&TT và Chương trình chuyển đổi số quốc gia với Bộ TT&TT. Bộ TT&TT trao tặng phương tiện nghe - xem và máy tính, giá trị 01 tỷ đồng cho các xã nghèo trên địa bàn tỉnh./.