Trong cộng đồng các dân tộc Điện Biên, đồng bào dân tộc Thái có lượng cư dân đông đúc và nền văn hóa mang nhiều sắc thái tiêu biểu, riêng có. Với một kho tàng văn hóa phi vật thể rất phong phú về các lễ hội và các nghi lễ trong đời sống như: Lễ hội cầu mưa, Lễ hội xên bản, Lễ Hạn khuống, lễ Kin pang then, tục cưới hỏi, ma chay... Trong các nghi lễ gắn với đời sống của con người thì không thể không nói đến lễ Tằng cẩu (Búi tóc ngược) cho cô dâu trong ngày cưới của người phụ nữ dân tộc Thái, ngành Thái đen.

Lễ Tằng cẩu hay còn gọi là lễ búi tóc ngược, đây là nghi lễ được diễn ra trong đám cưới truyền thống của dân tộc Thái, một phong tục mang bản sắc riêng đánh dấu bước ngoặt của người con gái Thái khi đến tuổi kết hôn. Lễ Tằng cẩu diễn ra với mục đích phân biệt người con gái Thái đã có chồng với những người con gái Thái chưa chồng, ngoài ra việc Tằng cẩu còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người con gái đã có chồng đó là che chở, bảo vệ cho chồng, con, bảo vệ tổ ấm hạnh phúc bên gia đình của họ.

Trong lễ cưới, khi chuẩn bị tiến hành làm nghi lễ Tằng cẩu, mọi người đem tất cả các đồ lễ của bên nhà trai cùng một số của hồi môn nhà gái được bày vào mâm lễ gồm: Một đĩa đựng bốn chén rượu, một chai rượu; một cái mẹt đựng hai bát gạo, trên hai bát gạo có 2 quả trứng và 2 bông hoa, một cọn vải trắng, một cọn vải kẻ đỏ, một trâm cài tóc, một xa búi tóc, một bộ áo cóm và váy, một dây thắt lưng, hai vòng  tay bạc, một xà tích, một cái gương, một cái lược, một đôi búi tóc giả, một bát nước cỏ mần trầu. Ngoài ra có: Một cái lược để chải tóc cho con dâu, một bát nước lã, trong bát nước lã có ba viên sỏi được lấy từ ba bến nước, búi rau mần trầu được hái tại ba khu vườn khác nhau để nhúng lược vào chải tóc cô dâu, với ý nghĩa tượng trưng cho gia đình luôn có 03 thế hệ cùng chung sống khỏe mạnh, mặt khác cầu cho đôi vợ chồng trẻ vững niềm tin xây dựng tổ ấm hạnh phúc, làm ăn phát đạt, lộc tài sinh sôi nảy nở, êm ấm, hạnh phúc và cũng là để tóc chắc, khỏe, mượt, dài nhanh, không bị rụng.

Khi mâm Lễ búi tóc đã chuẩn bị xong, nghi lễ Tằng cẩu bắt đầu tiến hành, cô dâu sẽ ra chào họ hàng hai bên và ngồi hướng về phía mặt trời mọc để người mẹ hoặc dì cô dâu thực hiện nghi lễ búi tóc lên đỉnh đầu, vừa thực hiện vừa nói:

"Mái tóc dài, chải cho mượt
          Búi ngược lên thành "Tằng Cẩu"
          Từ nay về sau, người đã có chồng
          Nước không đổi dòng
          Lòng không đổi hướng con ơi"

Qua đó, người mẹ (hoặc dì) muốn dặn dò cô dâu từ nay đã có chồng, phải một lòng chung thủy sắt son với chồng.

Khi đã chải tóc xong mẹ hoặc dì cô dâu mời mẹ chồng (cô chồng) đón nhận để tiếp tục làm lễ Tằng cẩu nhận dâu, bà cô lấy lược nhúng bát nước cỏ “mần trầu” chải tóc ngược từ đằng sau hớt ngược lên đằng trước hướng về phía mặt, chải thật đều rồi quấn cùng đuôi tóc giả búi lên đỉnh đầu, chụp xa, lấy châm bạc cài chính giữa búi tóc.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thái, Tằng cẩu là một trong những nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong cuộc đời của phụ nữ người Thái, ngành Thái đen. Sau nghi lễ này, mái tóc được Tằng cẩu không những sẽ trở thành trang sức làm tăng thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Thái mà còn khẳng định sự thủy chung, kính trọng của họ đối với nhà chồng.

Khi đã về làm dâu mái tóc ấy vĩnh viễn không bao giờ được buông, bởi lời thề trọn một lòng thủy chung son sắt, chỉ khi chồng chết mới được thả búi tóc xuống búi đằng sau thành bà goá. Đây chính là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân gia đình của người Thái.

Nghi thức Tằng cẩu chính là sợi dây kết nối giữa tâm hồn của người phụ nữ Thái với trách nhiệm của họ đối với gia đình. Sự coi trọng của người Thái đối với Tằng cẩu cũng chính là thể hiện đức tôn kính đối với đấng sinh thành, tổ tiên - những người đã sinh thành ra họ. Đây là phong tục đẹp ngàn đời, cần được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ cả hôm nay và mai sau.

Trong những năm qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong nghi thức tằng cẩu của đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái đen tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và tuyên truyền, giới thiệu, trình diễn nghi thức này tới đông đảo quần chúng nhân dân và du khách. Đây là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhằm quảng bá những nét đẹp trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Thông qua các hoạt động đó đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm và phản hồi tích cực của công chúng trong nước và quốc tế./.                                                              

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.129.910
    Online: 107