Ở Điện Biên, dân tộc Dao, ngành Dao quần chẹt cư trú ở chủ yếu ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa. Trong quá trình hội nhập và phát triển ngày nay, đồng bào vẫn giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Cùng với kiến trúc nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, ngôn ngữ, chữ viết…Dân tộc Dao, ngành Dao quần chẹt còn có nghề trồng bông, dệt vải được lưu truyền lâu đời với những nét riêng, độc đáo.

Nghề trồng bông dệt vải là một trong những nghề thủ công truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào dân tộc Dao, ngành Dao quần chẹt từ xưa đến nay. Các gia đình tự trồng bông, nguyên liệu chính để làm sợi dệt. Để có một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh, phụ nữ dân tộc Dao phải trải qua các công đoạn từ trồng bông, se sợi, dệt, nhuộm mầu, trang trí và cắt may. Đây là một nghề đòi hỏi sự khéo léo, chăm chỉ. với đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ dân tộc Dao họ đã tạo ra những bộ trang phục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người Dao quần chẹt rất coi trọng trang phục truyền thống và mỗi người phụ nữ đều tự may trang phục đủ cho các thành viên trong gia đình. Để làm ra bộ trang phục truyền thống, tuy nhìn đơn giản nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cắt, ghép vải rất tỉ mỉ. Việc dệt vải và may vá thường được làm tại gia đình và là công việc của các bà, các mẹ và con gái trong gia đình. Vải được dệt chủ yếu để may trang phục, ngoài ra còn làm khăn, chăn đắp, túi đeo, làm màn. Các công cụ trong nghề dệt gồm: Cần bật bông, que cuốn bông, công cụ kéo sợi, khung dệt vải.

Về nguyên liệu chính chủ yếu lấy từ cây bông để làm nguyên liệu dệt vải, ngoài ra còn sử dụng sợi tơ tằm. Bông được trồng trên nương có độ dốc vừa phải, đất trồng bông là loại đất pha đá răm. Người Dao quan niệm bông phải được trồng đúng mùa vụ mới cho sản lượng, chất lượng bông tốt. Sau tết là thời điểm thích hợp để người Dao đi phát dọn nương loại trừ cỏ dại đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 thì cuốc đất tra hạt. Sau một tháng khi cây bông đã lên tốt, lúc này loại bỏ những cây yếu, chỉ để lại những cây bông khỏe mạnh, đồng thời tiến hành dẫy cỏ cho nương bông. Sang đến tháng 5 tháng 6 tiến hành dọn cỏ lần hai để bông ra hoa tốt nhất. Tháng 7 người Dao bắt đầu tiến hành thu hoạch bông. Thu hoạch phải chọn những ngày nắng đẹp, sau khi thu hoạch được phơi từ 5 đến 6 nắng để bông khô và trắng. Bông được phơi khô rồi đem tách bông ra khỏi hạt, dùng dây bật để bật cho bông tơi sau đó vào quay se sợi tạo thành sợi chỉ. Cuối cùng dùng khung để dệt thành vải.

Quy trình làm sợi trải qua nhiều công đoạn, sau khi thu hoạch bông được phơi khô cho trắng, sau đó dùng khuôn tách hạt (ba gao) tách cho các hạt bông rơi ra. Bông được tiếp tục phơi cho quả bông thật khô, dùng cần bật bông làm cho các quả bông tơi. Cần bật bông được làm rất đơn giản nhưng lại có hiệu quả  cao trong việc làm tơi bông. Cần bật bông được làm bằng cật tre vót tròn dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 2cm. Cần được uốn cong rồi dùng sợi dây mảnh buộc ở hai đầu tạo hình vòng cung. Khi sợi dây kéo qua nhóm bông rồi nhấc nên sẽ kéo theo các sợ bông chuyển động, lặp lại các động tác sẽ khiến bông tơi đều. Khi bông tơi người Dao dùng một dụng cụ cuốn bông (sá đỉt) là một thanh tre to như chiếc đũa, dài khoảng 20cm. Khi cuốn bông phụ nữ Dao quần chẹt dùng thanh tre này quơ trên mặt đống bông khiến cho bông bám đều trên thanh cuốn bông. Bông được cuốn cho tới khi cuộn bông to bằng ngón chân cái thì tuốt ra. Cứ được 10 cuộn bông như vậy thì dùng dây buộc lại thành một túm. Để tạo thành sợi thì những cuộn bông này cần trải qua công đoạn dùng dụng cụ để kéo thành sợi. Đây là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cũng như sự tỷ mỉ cẩn thận của người thực hiện. Tấm vải có đẹp hay không phụ thuộc vào sợi vải có chắc chắn và đều sợi hay không. Bông phải được kéo dài đều rồi xe thành sợi, quay xa phải đều tay và phải phối hợp nhịp nhành giữa tay quay xa và tay kéo sợ, nếu không sợi sẽ dễ bị đứt hoặc to nhỏ không đều nhau.

Quy trình dệt vải tốn nhiều thời gian và công sức, để dệt được những khổ vải sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, người phụ nữ dân tộc Dao sử dụng một bộ khung dệt sao cho phù hợp với điều kiện sử dụng. Khung dệt của người Dao quần chẹt không lớn như của người Thái nhưng khá chắc chắn. Người Dao chọn những cây gỗ già, không bị mọt, không cong vênh để làm khung. Khung được lắp ghép bằng 4 cột trụ ở 4 góc, phía trên đỉnh được nối ghép bởi 2 xà ngang và 2 xà dọc. Ở khoảng cao vừa tầm với chỗ để ngồi có 2 xà dọc to, đây là phần chủ yếu để giữ cho toàn bộ bộ khung cửi tạo thành vững chắc khi ngồi dệt. Đi kèm với 2 bên sườn có 2 thanh gờ đã đục lỗ đóng áp vào 2 bên sườn để đựng thoi. Phía dưới chân có 2 thanh tre có chiều dài 1m; được buộc nối với dây go để điều khiển phối hợp giữa chân và tay rất nhịp nhàng khi dệt vải. Để ngồi dệt được vững trãi là một mảnh gỗ được vắt qua giữa xà dọc. Phía trên có 3 cây để bắc qua xà dọc. Đi kèm với khung cửi còn có bộ chia sợi, chải sợi và đảo sợi. Đây là một dụng cụ thay cho lược để chải cho sợi thông suốt không bị rối khi dệt vải. Bộ chia sợi, chải sợi được làm bằng tre hoặc gỗ. Bộ khung cửi trông khá đơn giản song nó được đóng hết sức vững trãi với đầy đủ các dụng cụ phụ để tạo ra một khung dệt rất thuận lợi bởi thế ngồi vững chắc, ngồi dệt không bị gò bó, điều khiển hết sức nhịp nhàng giữa chân và tay.

Với một quy trình nhuộm chàm công phu, đòi hỏi sự liên tục không gián đoạn, vì thế mà màu chàm trên những tấm vải bông của người Dao tạo ra luôn bền đẹp với thời gian. Màu chủ đạo trên trang phục dân tộc Dao nghành Dao quần chẹt và Dao khâu huyện Tủa Chùa chủ yếu là màu chàm. Màu chàm được làm từ nước ngâm cây chàm. Toàn bộ thân và lá cây chàm được lấy về ngâm vào một thùng gỗ lớn, ngâm đủ 3 ngày 3 đêm cho chàm thôi ra nước màu đen. Lúc đó người ta vớt lá và thân ra giã nát rồi thả vào thùng, cho thêm nước vôi trong rồi đậy nắp lại. Sau nửa ngày múc nước đổ ra ngoài, lúc này ở đáy thùng cao chàm đã lắng xuống. Khi chắt hết nước, người ta lấy cao chàm ra phơi khô, khi cần nhuộm vải thì lấy ra dùng.

Khi nhuộm người ta lấy cao chàm đã phơi khô hòa với nước tro bếp (đã lọc sạch), để lắng, đun sôi rồi cho vải cần nhuộm vào, đảo qua đảo lại vài lần rồi bắc xuống đổ vào thùng ngâm. Nhuộm lần 1 phải ngâm khoảng 2 đến 3 ngày rồi vớt ra phơi khô, sau đó lại tiếp tục ngâm trong thùng chàm, làm đi làm lại khoảng 4 đến 5 lần mới được màu chàm đen như ý. Sau khi ngâm chàm và phơi khô, vải tiếp tục được ngâm trong thùng nước lá me chua, vì nước lá me có tác dụng giữ bền màu vải nhuộm sau 2 ngày thì đem phơi nắng cho khô, cuối cùng giặt bằng nước lã rồi phơi khô và sử dụng.

Một số lưu ý và cấm kỵ khi nhuộm vải chàm của dân tộc Dao như: không nhuộm vải trong nhà, thường có thùng nhuộm dưới gầm sàn, gia đình có tang, phụ nữ mang thai không được nhuộm chàm, khi nhuộm không cho người có thai hoặc người nhà có lợn đẻ đi ngang qua thùng chứa vải nhuộm...Vì đồng bào quan niệm nếu không kiêng kỵ tốt thì chất lượng sẽ không bền đẹp.

 Nếu phụ nữ Dao khâu giỏi thêu thùa thì phụ nữ ngành Dao quần chẹt lại khéo với kỹ thuật đính ghép vải. Trang phục của phụ nữ Dao, ngành Dao quần chẹt khá đơn giản với màu chàm chủ đạo trên toàn bộ trang phục. Điểm nhấn của trang phục chỉ được thể hiện trên cổ tay và viền nẹp áo. Những chi tiết rất nhỏ nhưng ở đó chính là sự công phu và vô cùng tỉ mỉ của người phụ nữ. Những khổ vải màu sắc khác nhau được đính, ghép hết sức công phu để tạo thành những viền màu nhỏ trên viền áo và cổ tay áo. Mặc dù được ghép đính nhiều khổ vải nhưng lại không thấy cảm giác bị dầy, cộm ở vị trí ghép, bằng mắt thường ta chỉ nhìn thấy những đường màu sắc nhỏ hết sức đều đặn, tinh tế.

  Việc trồng bông dệt vải của đồng bào Dao, ngành Dao quần chẹt ở Huổi Só, huyện Tủa Chùa chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của bà con. Tuy trồng bông, dệt vải chưa phải là nghề đem lại thu nhập chính nhưng nhu cầu sử dụng bông đã khiến loại cây này gắn bó với vùng đất, con người nơi đây trong khoảng thời gian rất dài. Việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bông hay chăm sóc, trồng bông đúng kỹ thuật để đạt năng suất cao cần sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn để người dân tự giác trồng bông, để loại cây trồng lâu đời này trở thành cây công nghiệp tạo nguồn thu cho bà con, qua đó góp phần bảo tồn trang phục dân tộc Dao, ngành Dao quần chẹt nói riêng và trang phục các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên nói chung./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.132.375
    Online: 46