66 năm đã trôi qua từ chiến thắng Điện Biên Phủ, 7 năm ngày mất Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp và 16 năm kể từ lần cuối Đại tướng trở lại thăm Điện Biên.
Đó là sự kiện không thể nào quên đối với Nhân dân tỉnh Điện Biên nói chung, đồng bào ở Mường Phăng nói riêng bởi họ tự hào được đón Đại tướng đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tuy đó không phải là lần đầu tiên trở lại nhưng là lần cuối cùng người dân Điện Biên được thấy Đại tướng trên mảnh đất Bác dành cả sức lực, tâm huyết và trí tuệ để giải phóng cho bằng được.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với Điện Biên Phủ giống như Chủ tịch hồ Chí Minh gắn liền với Việt Nam vậy. Lần đầu lên Điện Biên cũng là lần ở lâu nhất, tốn công sức nhất, nguy hiểm nhất và phải làm những việc quan trọng nhất, vì đó là nhiệm vụ, trách nhiệm và sứ mệnh cao cả mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó. Để rồi sứ mệnh ấy đã đem lại chiến thắng quyết định trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp xâm lược, đem lại hòa bình mãi mãi trên xứ sở Mường trời sau gần 7 thập kỷ bị đô hộ, thống trị bởi chế độ thực dân.
Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Điện Biên Phủ lan truyền rộng rãi, nhanh chóng khiến cho Điện Biên như trở thành ngày hội. Bước xuống máy bay, đón chào Đại tướng là rừng cờ hoa, biển người vẫy chào và những khuôn mặt rạng rỡ, tươi tắn. Ai cũng muốn tận mắt được nhìn thấy Đại tướng, cảm nhận không khí của những tháng ngày lịch sử bởi sự có mặt của người anh hùng dân tộc hoặc đơn giản, chỉ là một phần của Điện Biên trong ngày quan trọng này.
Ngày 19/4/2004, rừng Mường Phăng vốn trầm mặc, tĩnh lặng bỗng reo vui, hân hoan đến lạ thường. Chưa bao giờ cùng một lúc lại có đông người đến thế. Giữa vòng tay của đồng bào các dân tộc, giây phút chiếc trực thăng trở Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh xuống cánh đồng Mường Phăng, cảm xúc vỡ òa, hạnh phúc khi người dân nhìn thấy Đại tướng. Mặc trên mình bộ quân phục của người lính, bước chân đã chậm hơn, hai tay Đại tướng chắp trước ngực đáp lại sự nồng nhiệt của mọi người.
Những bông hoa tươi thắm, những nụ cười rạng rỡ, những giọt nước mắt trào dâng của hàng nghìn người vây lấy Đại tướng như thể cuộc trùng phùng này đã được chờ đợi từ rất lâu rồi. Với người già, đó là sự mong ngóng cố nhân trở lại với người thân, quê hương; với người trẻ, đó là sự biết ơn, trân trọng và chờ đợi người cha trở về; với trẻ thơ đó là sự tò mò, háo hức về một huyền thoại được kể lại bởi những người lớn tuổi hoặc được biết đến trong những trang sách nhà trường. Dù là ai, đây là kỷ niệm thật đẹp đẽ, không thể nào quên trong cuộc đời của họ.
Lần cuối thăm Điện Biên khi đã 93 tuổi, ký ức về những năm tháng hào hùng của chiến dịch vẫn vẹn nguyên trong những câu chuyện kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng kể chuyện chiến đấu, kể chuyện những ngày tháng trong rừng Mường Phăng, kể lại những khó khăn, gian khổ để làm nên chiến thắng vĩ đại, đánh bại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Đại tướng cũng không quên dặn dò phải giữ rừng thiêng nguyên vẹn như ngày có Đại tướng; giữ di tích lịch sử cho thế hệ con cháu mai sau được biết và trân quý hi sinh, cống hiến của thế hệ cha ôn; giữ tinh thần Điện Biên Phủ kiên cường, bất khuất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Gần cuối cuộc đời, tâm huyết của Đại tướng vẫn dành trọn vẹn cho quê hương, dân tộc.
Những người năm đó ở Mường Phăng được phục vụ và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ không nhiều, trong só đó được gặp lại Đại tướng ngay tại chiến trường xưa lại càng ít. Cụ Lù Thị Đôi, Lò Văn Bóng - những dân quân tự vệ năm xưa tham gia tiếp lương, tải đạn, sửa đường, vận chuyển thương binh cho bộ đội và phục vụ Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong rừng cũng đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” là những người may mắn có được vinh dự ấy. “Tay bắt mặt mừng”, các cụ run rũnúc động khi đứng trước Đại tướng mà cứ ngỡ trong mơ. Ánh mắt trìu mến, tay nắm tay, ân cần hỏi thăm sức khỏe, chúc sống lâu – đó là cuộc hội ngộ ân tình, đầm ấm của những con người đã làm nên lịch sử.
Con đường mòn uốn lượn theo dòng suối dưới chân núi trong rừng Mường Phăng nay đã được tôn tạo lại cho dễ đi, Đại tướng bồi hồi, trầm tĩnh ngắm nhìn lại đại bản doanh của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây hơn 6 thập kỷ. Đài quan sát trên đỉnh núi, nơi hằng ngày Đại tướng quan sát trận địa phía dưới lòng chảo nay đã vắng bóng người qua lại, đường lên có phần rậm rạp, khó khăn hơn. Hầm xuyên sơn, công trình hoành tráng nhất trong rừng Mường Phăng nối liền lán của Đại tướng và lán của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái vẫn như ngày Đại tướng rời đi. Những lán nhỏ đơn sơ là ơi làm việc và nghỉ ngơi của các đồng chí trong các cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn còn đó. Hoa Ban, hoa Trẩu vẫn bung nở như mùa chiến dịch năm ấy. Chỉ khác, chủ nhân của chúng, người còn, người mất và không mấy ai có dịp được trở lại.
Ngược dòng lịch sử, dấu ấn quan trọng, cũng là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyển phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhânh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” khi ngày nổ súng chính thức đã định đang đến gần. Những tháng ngày sau đó là công cuộc chuẩn bị và sự đấu trí, đấu lực với Bộ chỉ huy của quân Pháp, từ việc kéo pháo ra xây dựng lại trận địa, chuẩn bị kỹ càng về hậu cần cho tới việc thay đổi ngày giờ mở màn của chiến dịch, phương thức tấn công và giao nhiệm vụ tiêu diệt từng cứ điểm cho đơn vị phù hợp. Mỗi chiến sĩ hi sinh, mỗi vị trí của địch chưa chiếm được như dự kiến, mỗi cân gạo chưa đến được nơi tập kết đúng thời gian quy định, … đều khiến Đại tướng lo âu, trăn trở và tìm mọi cách để tháo gỡ. Vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến, bằng sự linh hoạt, tài tình trong chỉ huy, mẫn tuệ trong suy nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt một quân đội anh hùng chiến thắng một trong những đội quân mạnh nhất trên thế giới.
Chỉ hơn 100 ngày ở Mường Phăng nhưng hơn 65 năm qua, đây vẫn là ngôi nhà, quê hương thứ hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người dân tự hào vì có rừng Mường Phăng, có cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch và ký ức về những ngày Đại tướngở đây đề làm nên kỳ tích “Trên thế giới chưa từng có, trong lịch sử chưa từng thấy”. Từ đứa trẻ chưa biết hết mặt chữ có thể đọc vanh vách thông tin về các cơ quan của Bộ chỉ huy trong rừng cho tới những người tình nguyện chăm sóc, bảo vệ nơi này như chính ngôi nhà của mình mới thấy được người dân yêu quý, trân trọng di tích đến nhường nào. Và có lẽ, cũng không nơi đâu, Nhân dân lại mong ngóng, hướng về Đại tướng như đất và người Mường Phăng.
Trong những ngày ít ỏi tại Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 và trồng cây Tùng lưu niệm tại đây. Đại tướng cũng dành thời gian thăm một số di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ như: công trình Tượng đài chiến thắng trên Đồi D1 (đang trong giai đoạn thi công để kịp hoàn thành trước lễ kỷ niệm), hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh, di tích Hận thù Noong Nhai. Tại mỗi nơi Đại tướng đến đều thu hút và nhận được những tình cảm đặc biệt của người dân.
Trước khi rời Điện Biên, Đại tướng còn có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với các cựu chiến binh, đại diện các cơ quan, đoàn thể và lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên tại Trung tâm hội nghị, văn hóa tỉnh. Những người lính năm ấy chưa từng rơi nước mắt trước kẻ thù, trước mưa bom bão đạn và gian khổ, hi sinh nhưng nay lại nghẹn ngào trong cuộc hội ngộ ý nghĩa với “người anh cả” của mình. Đó là những hồi ức không bao giờ quên.
Sự kiện Đại tướng thăm lại Điện Biên còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan, tổ chức và truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí trong nước và quốc tế cử phóng viến tắc nghiệp trước, trong và sau khoảng thời gian ấy. Từng khoảnh khắc, bước đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mảnh đất Điện Biên anh hùng được ghi lại, trở thành những bức ảnh vô giá, những tài liệu quan trọng bởi tầm vóc, tài trí và công lao vĩ đại của Đại tướng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, vươn ra tầm cỡ thế giới. Ngoài ra, công tác chuẩn bị cho hành trình Đại tướng trở lại Điện Biên được quan tâm và sự phối hợp thực hiện của nhiều đơn vị, lực lượng trung ương và địa phương từ việc đảm bảo an toàn, an ninh, sức khỏa của Đại tướng và phu nhân cho tới phương tiện di chuyển, người đồng hành và những nơi Đại tướng sẽ tới thăm, những người Đại tướng sẽ gặp.
Đối với Điện Biên vừa mới chia tách, thành lập từ tỉnh Lai Châu (cũ) hồi đầu năm 2004, đây là sự động viên, khích lệ lớn lao, cỗ vũ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc vượt qua khó khăn trước mắt, từng bước ổn định mọi mặt của đời sống xã hội; hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; từng bước đưa Điện Biên phát triển, xứng tầm với chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Lời căn dặn của Đại tướng về việc giữ gìn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm thiết thực trong suốt 16 năm qua. Điện Biên và hành trình trở lại cội nguồn lịch sử là một trong những điểm đến được yêu thích nhất của Nhân dân trong và ngoài nước.
9 năm sau ngày trở lại Điện Biên, trái tim Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngừng đập ở tuổi 102 khi chỉ còn vài tháng nữa cả nước long trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mong ước được đón Đại tướng ở Điện Biên thêm lần nữa đã không bao giờ thực hiện được. Hai ban thờ được lập vội tại Nhà lưu niệm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng và Di tích Đồi E tại thành phố Điện Biên Phủ để Nhân dân và khách thập phương thắp nén hương, bày tỏ lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn đối với Đại tướng. Và cho đến nay hình ảnh Đại tướng vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí bởi lòng thương nhớ của mỗi người dân dành cho vị Đại tướng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
“Người đi về với biển rộng trời cao,
Lòng chợt nhớ trận Điện Biên lịch sử.
Đại tướng trong lòng dân luôn bất tử,
Việt Nam tự hào có Đại tướng trong tim…”
(Sưu tầm)