Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước những năm qua. Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, tỉnh Điện Biên đã không ngừng chú trọng đầu tư cho đời sống văn hóa cơ sở. Năm 2018 khép lại với các hoạt động văn hóa - thông tin cơ sở diễn ra khá sôi nổi, hiệu quả và qua đó đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, là nền tảng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định, tạo đà cho phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Một trong những hoạt động nổi bật của văn hóa cơ sở trong năm 2018 đó là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển gắn kết với phong trào "Xây dựng nông thôn mới". Qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở; trách nhiệm và nhận thức của người dân trong việc bảo vệ phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa truyền thống, môi trường sinh thái được nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có: 1.121/1.813 thôn, bản đạt chuẩn văn hóa, tăng 14% so với năm 2017; 79.594 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, tăng 5,1 % so với năm 2017; 1.207 cơ quan, đơn vị trường học đạt chuẩn văn hóa, chiếm 90,9% trong tổng số cơ quan, đơn vị trường học toàn tỉnh; 07/14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 50% số phường, thị trấn và đạt 100% kế hoạch năm; 11/116 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 9,5% số xã toàn tỉnh và đạt 100% kế hoạch năm, tăng 120% so với năm 2017.
Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, năm qua, tỉnh ta đã không ngừng chú trọng đầu tư cho đời sống văn hóa cơ sở. Có thể nói, từ khi có phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hệ thống thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở từng bước được phát triển. Những thiết chế văn hóa được đầu tư đúng mức đã phục vụ tốt đời sống tinh thần của nhân dân, giúp các cộng đồng dân cư đoàn kết, gắn bó, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh. Toàn tỉnh hiện có 620 nhà văn hóa, tăng 6,9% so với năm 2017 (trong đó có: 02 nhà văn hóa cấp tỉnh ; 08 nhà văn hóa huyện, thị, đạt tỷ lệ 80% trên tổng số huyện; 57/130 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, thể thao, đạt tỷ lệ 43,8% trên tổng số xã; có 563/1813 điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 31% trên tổng số thôn bản, tổ dân phố)...
Điểm nhấn của văn hóa cơ sở trong năm 2018 là việc duy trì hiệu quả các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quần chúng. Đến nay, hoạt động các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên từ xã, phường, thị trấn đến bản, làng, thôn, xóm, khối, phố. Hiện nay, theo thống kê, toàn tỉnh có 1273 đội văn nghệ quần chúng và 41 Câu lạc bộ văn hóa. Hoạt động của các CLB văn hóa, các đội văn nghệ quần chúng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa.
![](/admin/anhup/Đội văn nghệ sinh hoạt tại Nhà văn hóa bản.jpg)
Đội văn nghệ sinh hoạt tại Nhà văn hóa bản
Năm 2018, hoạt động các CLB khắp nơi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa để tồn tại, phục vụ theo thị hiếu, sở thích của các thành viên CLB và nhu cầu của quần chúng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình là: CLB Thơ tổ chức 02 chương trình(Giao lưu thơ nhạc tại Điện Biên và Giao lưu thơ nhạc tại Quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng); CLB Hiphop tổ chức 03 chương trình (chương trình “HIPHOP P.T.S BATTLE 2018”; chương trình “Lễ hội đường phố Điện Biên và gây quỹ từ thiện”, chương trình văn nghệ và gây quỹ Du ca Lumos) ; CLB Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái tổ chức Liên hoan văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái Việt Nam lần thứ II tại Điện Biên năm 2018 và mở lớp truyền dạy dân nhạc cho 69 học viên.
![](/admin/anhup/CLB Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái.jpg)
Bên cạnh hoạt động của các CLB, các đội văn nghệ quần chúng, hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động cũng được quan tâm đầu tư. Ngoài các hoạt động thường xuyên, năm nay các đơn vị đều xây dựng mới nhiều cụm cổ động lớn, cổng chào qua đường tại khu vực trung tâm huyện, thị, thành phố, những tụ điểm sinh hoạt văn hóa, trang trí lễ nghi, khánh tiết trong hội trường, nhà văn hóa… Đặc biệt, các huyện, thị, thành phố đã phát huy được vai trò của đội tuyên truyền lưu động để đưa thông tin, đời sống văn hóa, tinh thần về với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các Đội tuyên truyền lưu động của tỉnh duy trì xây dựng 21 chương trình tuyên truyền; tổ chức 905 buổi tuyên truyền lưu động; căng treo 5200 lượt băng, cờ khẩu hiệu, tăng 16,85 so với năm 2017...
Năm qua cũng là năm các hoạt động văn hóa, lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh đã được các địa phương chủ động triển khai sôi động hơn, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân và du khách gần xa. Từ các lễ hội truyền thống như Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ Hội Hoa Ban đến các chương trình liên hoan, giao lưu nghệ thuật đặc sắc như Chương trình chào đón năm mới; sự kiện Hoa Anh Đào – Pá Khoang 2018; Giao lưu văn nghệ "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản" tại huyện Mường Nhé; Liên hoan văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái, năm 2018; Chương trình văn nghệ giao lưu với Trung tâm UNESCO Văn hóa Quan tại thành phố Điện Biên)… đã đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và du khách.
![](/admin/anhup/Lễ hội truyền thống Lễ hội Thành Bản Phủ.JPG)
Lễ hội Thành Bản Phủ là Lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm
Điện Biên hôm nay đã thực sự chuyển mình trên con đường hội nhập phát triển. Và những kết quả trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, về nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc, góp phần làm đẹp thêm mảnh đất và con người Điện Biên./.
Thùy Dương