Ngày 29/01/2019 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó tỉnh Điện Biên có 02 di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của người Hà Nhì xã Sín Thầu, xã Chung Chải, xã Sen Thượng, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) và Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên), xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) và xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ).

Lễ Gạ ma thú (Cúng bản) của người Hà Nhì được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, diễn ra trong 03 ngày với 02 phần chính: Phần thứ nhất là nghi lễ cúng diễn ra tại các điểm cúng: Cúng thần núi, thần nước, thần đất, thần gió, thần lửa và cúng tổ tiên. Phần thứ hai cộng đồng tham gia các hoạt động nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi dân gian, liên hoan cộng đồng. Đây là tập tục mang đậm nét văn hóa truyền thống, là sản phẩm tinh thần của dân tộc Hà Nhì được giữ gìn, kế thừa qua các thế hệ nhằm hướng về cội nguồn, biết ơn người đi trước đã có công khai phá, bảo vệ bản mường và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng, cùng thờ chung vị thần, có chung mục tiêu đoàn kết vượt khó, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Múa Xòe trong Lễ Cúng bản của người Hà Nhì

Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống tại tỉnh Điện Biên được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hằng năm, dịp trăng tròn (15,16 tháng 10) gồm các lễ thức, nghi lễ truyền thống của cộng đồng (nghi lễ cúng chung cho cả bản), từng gia đình (lễ cúng tổ tiên, nghi lễ cầu phúc cho trẻ nhỏ, những thành viên khác trong gia đình ) và nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như: Ẩm thực, thể thao, văn nghệ. Đây là dịp để mọi người cùng hướng về cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất, thần linh… đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh và cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới an lành, no đủ.

Nghi thức cầu an cho trẻ nhỏ trong Tết Hoa Mào Gà của người Cống

Như vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 08 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật Xòe Thái; Tết Nào pê chầu của người Mông đen; Lễ Kin pang then của người Thái trắng; Lễ hội đền Hoàng Công Chất; Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải, dệt và thêu trang phục của người Mông hoa; Bun huột nặm (Tết té nước) của người Lào; Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của người Hà Nhì và Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống.

Với việc trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tính cố kết cộng đồng, qua đó giữ gìn, bảo tồn, phát huy được những di sản văn hóa truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc và góp phần quảng bá, phát triển du lịch của địa phương./.

Thanh Tâm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.158.628
    Online: 8