Trong khí thế thắng lợi ngùn ngụt như triều dâng thác đổ của Cách mạng Tháng Tám, ngày 28.8.1945, Bản Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định hình thành cơ cấu các cơ quan hành chính Nhà nước đầu tiên, trong đó có Bộ Thông tin tuyên truyền là một thành viên. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28.8.1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực VHTT gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28.8.1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực VHTT gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Lược sử quá trình hình thành bộ máy và truyền thống ngành Văn hóa - Thông tin

74 năm qua, tên gọi cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực Văn hóa - Thông tin có nhiều lần thay đổi cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử, cụ thể:

- Ngày 28.8.1945, thành lập Bộ Thông tin - Tuyên truyền.

- Ngày 1-1-1946, đổi thành Bộ Tuyên truyền- Cổ động.

- Ngày 13-5-1946, đổi thành Nha Tổng giám đốc thông tin - Tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ.

- Ngày 27-11-1946, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh đổi thành Nha Thông tin.

- Ngày 10- 7- 1951, Chủ tịch nước sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng phủ.

- Ngày 24-2-1952, hợp nhất Nha Thông tin và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và văn nghệ thuộc Thủ tướng Chính phủ.

- Tháng 8 - 1954, Hội đồng Chính phủ thành lập Bộ Tuyên truyền

-  Ngày 20-9-1955, Quốc hội khóa V thông qua đổi tên thành Bộ Văn hóa.

- Ngày 11-10-1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn thành lập Tổng Cục Thông tin thuộc Hội đồng Chính phủ

- Ngày 6-6-1965, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập Bộ Thông tin- Văn hóa.

- Sau khi đất nước thống nhất, Ngày 24-6-1976, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ nhất thành lập Bộ Văn hóa.

- Ngày 13-7-1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI phê chuẩn hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin.

- Ngày 24-6-1981, Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ nhất, đổi tên Bộ Văn hóa và Thông tin thành Bộ Văn hóa.

- Ngày 16-2-1987, Hội đồng Nhà nước quyết định thành lập Bộ Thông tin.

- Ngày 31-3-1990, Hội đồng Nhà nước thành lập Bộ Văn hóa- Thông tin- Thể thao và Du lịch.

- Ngày 27-7-1991, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đổi thành Bộ Văn hóa- Thông tin và Thể Thao.

- Ngày 30-9-1992, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ nhất quyết định đổi thành Bộ Văn hóa- Thông tin.

- Năm 2008, Chính phủ cải tổ hệ thống tổ chức các bộ ngành trực thuộc. Theo đó, hợp nhất Bộ Văn hóa – thông tin, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể thao thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời sáng ngày 2/9/1945 tại Hà Nội (Ảnh: TTXVN).

Ngành Văn hóa Thông tin- tiếp nối truyền thống tự hào, vững bước phát triển cùng đất nước.

Trong 74 năm qua, lịch sử xây dựng và phát triển của Ngành Văn hóa luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc. Trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ và Chính phủ, Ngành Văn hóa đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động giữ vị trí hàng đầu trong 5 bước công tác cách mạng theo phương châm: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Những “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa” đã biết đưa nghệ thuật vào công tác tuyên truyền, và nâng công tác tuyên truyền thành nghệ thuật. Hoạt động văn hóa trở thành sợi dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, góp phần tạo nên sức mạnh vô song giúp quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975), văn hóa - nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của miền Bắc XHCN.  Hai mươi mốt năm chiến đấu và chiến thắng, các thế hệ nghệ sỹ-chiến sỹ hai miền Nam - Bắc đã tạc vào lịch sử tượng đài bất hủ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm sáng ngời lên chân lý“Không có gì quý hơn độc lập tự do” và ước vọng cháy bỏng về một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Nhiều nghệ sỹ - chiến sỹ đã ngã xuống. Sự hy sinh quên mình của các chị, các anh đã tô thắm hơn trang sử vẻ vang của Ngành, góp phần xứng đáng cho mùa Xuân đại thắng năm 1975 của dân tộc.

Sau ngày đất nước thống nhất và những năm đầu đổi mới, trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận và ảnh hưởng từ sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN tại Đông Âu, hoạt động văn hóa - nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò xung kích, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua các thời kỳ cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, lúc nào cũng có mặt những chiến sĩ văn hóa đã dũng cảm kiên cường dùng ngòi bút, tiếng hát, cây đàn và trái tim nồng nàn yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Nhờ đó, văn hóa cách mạng theo các nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng đã cổ vũ mạnh mẽ sức chiến đấu và sản xuất, làm tăng thêm sức sống tinh thần của quân và dân ta. Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", đội ngũ cán bộ văn hóa - văn nghệ trong ngành Văn hóa - Thông tin đã đóng góp bao công sức, tâm huyết nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.

Trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn đan xen những yếu tố tiêu cực, tác động xấu đến đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sự lành mạnh của đời sống văn hóa xã hội. Nhiệm vụ của ngành Văn hóa- Thông tin càng có nhiều khó khăn thử thách hơn. Song chúng ta quyết tâm tăng cường sự quản lý, năng động và sáng tạo trong việc chọn lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc; kiên quyết bài trừ những loại văn hóa phẩm, lối sống kém lành mạnh đi ngược lại với xu thế văn minh thời đại.

Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình mới hiện nay, công tác tư tưởng- văn hóa càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng- văn hóa luôn gay go và phức tạp. Do đó, càng đòi hỏi những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền thấm nhuần sâu sắc đường lối của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, nắm vững nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thực tiễn cuộc sống và cách mạng đang vận động và phát triển, đòi hỏi chúng ta nhận thức khoa học đúng đắn, khắc phục những lệch lạc, sai sót về tư tưởng, phấn đấu xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.151.069
    Online: 13