Đến tháng 7 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã hoàn thành công tác kiểm kê Văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông xanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên gồm 05 nhóm chính là Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Đu (Mông Đen), Mông Lềnh (Mông Đỏ), Mông Si (Mông Hoa), Mông Sua (Mông Xanh), thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao.
Việc tiến hành kiểm kê di sản văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông xanh trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá, nhận diện tổng thể về thực trạng văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông xanh tỉnh Điện Biên. Kết quả công tác kiểm kê là cơ sở để xây dựng bộ dữ liệu, tư liệu phục vụ việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, công trình nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sách, giải pháp nhằm làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dân tộc Mông, ngành Mông xanh. Đồng thời, huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông xanh nói riêng và văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung.
Qua công tác kiểm kê của Bảo tàng tỉnh, dân tộc Mông, ngành Mông xanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu tập trung ở 03 huyện Mường Chà, Mường Nhé và Tủa Chùa. Theo số liệu kiểm kê của Bảo tàng tỉnh Điện Biên tính đến năm 2019, số lượng dân tộc Mông, ngành Mông xanh ở tỉnh Điện Biên có 611 hộ với 3.283 nhân khẩu. Trong đó: Huyện Mường Chà có 05 hộ với 24 nhân khẩu; huyện Mường Nhé có 30 hộ với 176 nhân khẩu; huyện Tủa Chùa có 576 hộ với 3.083 nhân khẩu.
Quá trình định cư trên địa bàn Điện Biên của dân tộc Mông, ngành Mông xanh đã học chữ và tiếng phổ thông để có thể hòa nhập và giao tiếp với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn, đồng thời tiếp cận tinh hoa văn minh nhân loại. Dân tộc Mông, ngành Mông xanh có tiếng nói riêng, có chữ viết riêng.
Không gian vật chất gần gũi quan trọng nhất để biểu đạt những giá trị truyền thống đó là kiến trúc ngôi nhà. Nhà người Mông thường là nhà trệt, mái thấp. Dù ngôi nhà đó to hay nhỏ nhưng đều phải có đủ 03 gian và tối thiểu một ngôi nhà ít nhất phải có đủ 02 cửa, trong đó có một cửa chính và một cửa phụ. Cửa chính được bố trí ở gian giữa nhà, cửa phụ được để ở mặt đầu nhà, tùy thuộc vào đầu nhà nào đi ra đường thuận lợi thì sẽ để cửa phụ ở đầu nhà đó. Còn với ba gian nhà thì được sắp xếp theo thứ tự gian đầu, gian giữa và gian cuối. Trong khi đó không gian chung dành cho các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đầy đủ là Nhà văn hóa.
Trong quá trình kiểm kê văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông xanh cán bộ Bảo tàng tỉnh nhận thấy việc sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc vẫn được duy trì, đối với nam giới tỷ lệ sử dụng toàn bộ bộ trang phục cũng không nhiều. Cùng với trang phục là việc sử dụng các loại trang sức truyền thống, việc này được phụ nữ duy trì hàng ngày.
Trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông, ngành Mông xanh
Kinh tế chủ yếu của người Mông, ngành Mông xanh là nền kinh tế nông nghiệp, việc săn bắt hái lượm và trao đổi buôn bán chỉ chiếm thứ yếu với tỷ lệ thấp. Tập quán canh tác nương rẫy là chủ yếu, họ cũng tự tạo cho mình những công cụ lao động hiệu quả như: Cày, cuốc, thuổng, dao, bừa, cào cỏ, liềm, quạt lúa, gùi, bàn đập lúa, néo đập lúa, sọt… rất phong phú, đa dạng.
Về đời sống tinh thần được đánh giá là đặc sắc, độc đáo. Trong đó, dân tộc Mông, ngành Mông xanh còn giữ lại được một số điệu hát như: Hát đối, hát giao duyên, hát du, hát đám cưới, lời xướng lễ trong các nghi lễ...
Trong chu kỳ đời người, những nghi lễ liên quan được quan tâm chuẩn bị rất chu đáo. Có thể nói rằng, con người là quan trọng, là trung tâm của mọi sự vận động, các nhân tố chi phối hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến con người sẽ được tiếp ứng một cách thận trọng, sao cho những tác động đó đem lại những giá trị tích cực nhất cho con người, điều này thể hiện rất rõ ở những nghi thức trong cưới hỏi và sinh đẻ, cưới xin, tang ma...
Đối với tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay trên địa bàn các huyện như: huyện Mường Chà, Mường Nhé, một bộ phận người Mông, ngành Mông xanh đang có xu hướng hủy bỏ các phong tục truyền thống của dân tộc, bỏ bàn thờ cúng tổ tiên, các nghi lễ để chuyển sang sùng bái Đạo Thiên Chúa.
Bản người Mông, ngành Mông xanh tại Háng Chợ 2, Mường Báng, Tủa Chùa
Như vậy, trong phạm vi đánh giá cơ bản về văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông xanh ở tỉnh Điện Biên thông qua công tác kiểm kê văn hóa, đoàn công tác đã có báo cáo tổng quan, khái quát về thực trạng di sản văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông xanh. Đây là kết quả bước đầu, làm tiền đề cho những nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo về văn hóa của dân tộc Mông, ngành Mông xanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Có thể nói, những Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, ngành Mông xanh rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, qua thời gian trong xu thế hội nhập của xã hội và do trình độ dân trí chưa đồng đều, một bộ phận lớp trẻ đã như không tự ý thức việc gìn giữ học hỏi những sắc thái văn hóa của dân tộc mình, nên vấn đề văn hóa truyền thống của đồng bào đã và đang có xu hướng mai một. Đứng trước thực trạng trên, việc kiểm kê văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông xanh nói riêng nằm trong kế hoạch hoạt động của Bảo tàng tỉnh hàng năm nhằm tiếp cận, nắm bắt tình hình di sản văn hoá của các dân tộc trên toàn tỉnh Điện Biên nói chung. Qua đó, việc nắm bắt tình hình di sản văn hoá của từng dân tộc để có những chủ trương, chính sách, hướng khắc phục khó khăn và tiến hành các bước bảo tồn văn hoá dân tộc đối với Ngành Văn hoá là việc làm cấp thiết. Khi có những bước bảo tồn hiệu quả sẽ phát huy tốt nhất các yếu tố văn hoá tích cực đang tiềm ẩn trong nội lực của từng dân tộc, góp phần vào công cuộc xây dựng tỉnh Điện Biên đa sắc màu văn hóa./.