Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp xâm lược và dẫn tới sự sụp đổ dần dần của chế độ thực dân trên toàn thế giới. Với thắng lợi này ta đã buộc Pháp phải cam kết Hiệp định Gionever, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và rút quân khỏi Đông Dương. Đây cũng đồng thời là thắng lợi quyết định về chính trị mà ta đạt được trong nhiều thập kỷ và tạo nên được tiếng vang lớn trên trường quốc tế.
Hiệp định Gionever là hiệp định được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sỹ bàn về vấn đề lập lại hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương đang ngày càng trở nên căng thẳng. Hội nghị được khai mạc ngày 26/4/1954 và kết thúc gần ba tháng sau đó, trong khi vấn đề Triều Tiên không đạt được những thỏa thuận nhất định thì vấn đề Đông Dương đã đem đến tương lại tươi sáng hơn với ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Từ ngày 8/5/1954, vấn đề Đông Dương được bàn đến trong bối cảnh ta vừa giành được chiến thắng quyết định tại Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ quân viễn chinh Pháp đang đóng tại đây với âm mưu "nghiền nát" quân chủ lực Việt Nam trong một cái bẫy tập đoàn quân sự khổng lồ chúng đã dựng sẵn, dưới sự ủng hộ và chi viện hết mình của Mỹ. Trước đó, từ đầu năm 1954, Pháp đã manh nha về việc tổ chức một hội nghị cấp cao để bàn về vấn đề Đông Dương nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn như Mỹ, Liên Xô, Đức trong khi Pháp đang gặp nhiều khó khăn tại bán đảo này. Hội nghị được quyết định tiến hành với sự tham gia của 8 nước do Liên Xô và Anh làm đồng chủ tịch. Việt Nam có hai đại diện là phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và phái đoàn Quốc gia Việt Nam.
Đồng chí Phạm Văn Đồng, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao đại diện Việt Nam dân chủ cộng hòa tham dự hội nghị. Tại hội nghị, lập trường của các bên tham gia khá rõ ràng trong đó về phía Pháp luôn giữ một thái độ cứng rắn nhằm duy trì những quyền lợi nhất định tại Đông Dương. Sự kiện Điện Biên Phủ đã khiến Pháp sau này buộc phải chấp nhận rút lui trong danh dự. Cũng theo đó, đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đề ra lập trường gồm tám điểm:
1. Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia;
2. Ký một hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi ba nước trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định. Trước khi rút quân, đạt thỏa thuận về nơi đóng quân của lực lượng Pháp hay Việt Nam trong một số khu vực hạn chế;
3. Tổ chức tổng tuyển cử tự do trong ba nước nhằm thành lập chính phủ duy nhất cho mỗi nước;
4. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố ý định xem xét việc tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp và những điều kiện của việc gia nhập đó;
5. Ba nước thừa nhận các quyền lợi kinh tế, văn hóa của Pháp tại mỗi nước. Sau khi chính phủ duy nhất được thành lập, các quan hệ kinh tế và văn hóa được giải quyết theo đúng các nguyên tắc bình đẳng và củng cố;
6. Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh;
7. Trao đổi tù binh và dân thường bị bắt trong chiến tranh;
8. Các biện pháp nói trên sẽ được thực hiện sau khi đình chỉ chiến sự.
Tại hội nghị, Pháp đã đưa ra đề nghị tạm chia đôi Việt Nam và lập một chính phủ Liên hiệp. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ý kiến và đưa ra ý kiến về làn phân ranh. Sau nhiều tranh cãi, vĩ tuyến 17 ở sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt vùng tập kết giữa một bên là lực lượng của Việt Nam dân chủ cộng hòa và một bên là quân đội Pháp cùng các lực lượng đồng minh. Dự kiến đường giới tuyến này sẽ được xóa bỏ sau cuộc tổng tuyển cử năm 1956, nhưng sau đó sự phá hoại Hiệp định của chính quyền Ngô Đình Diệm và việc không ký kết vào bản Hiệp định của chính phủ Mỹ ngay trong Hội nghị đã khiến nơi đây trở thành vùng chiến sự giao tranh ác liệt. Phải đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ta mới chính thức xóa bỏ khu giới tuyến quân sự này.
Về phía Lào và Campuchia cùng đồng nhất quan điểm độc lập và chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ hai nước và chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử tự do bầu ra Chính phủ mới.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Gionever được chính thức thông qua, với những tuyên bố cuối cùng như sau:
1. Các đại biểu tham dự hội nghị đã ký hiệp định đình chiến tại Việt Nam, Lào và Campuchia; tổ chức cơ quan quốc tế giám sát việc thực hiện các điều khoản trong Hiệp định.
2. Hội nghị bày tỏ sự hài lòng trước việc chấm dứt chiến sự tại ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hội nghị tin rằng việc thực hiện những điều khoản trình bày trong tuyên bố này và trong những hiệp định đình chiến sẽ tạo điều kiện giúp Việt Nam, Lào, Campuchia có được nền độc lập, tự chủ hoàn toàn.
3. Tại hội nghị, chính phủ Lào và Campuchia đã đưa ra các tuyên bố về việc áp dụng quy tắc cho phép công dân tham gia kỳ tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức trong năm 1955 phù hợp với hiến pháp của mỗi nước, thông qua hình thức bỏ phiếu kín và với điều kiện tôn trọng quyền tự do cơ bản.
4. Hội nghị ghi nhận các điều khoản trong hiệp định đình chiến tại Việt Nam, cấm các nước đưa quân đội và nhân viên quân sự cũng như tất cả các loại vũ khí, đạn dược vào Việt Nam. Hội nghị cũng ghi nhận các tuyên bố chung của chính phủ Lào và Campuchia về việc không yêu cầu viện trợ nước ngoài, cả thiết bị chiến tranh, nhân viên hay người hướng dẫn, trừ trường hợp yêu cầu được đưa ra vì mục đích phòng thủ lãnh thổ của họ.
5. Hội nghị ghi nhận những điều khoản trong hiệp định đình chiến tại Việt Nam: Không thiết lập căn cứ quân sự mới tại vùng tập kết, mỗi bên có trách nhiệm canh chừng những khu vực tập kết của mình để đảm bảo không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào và không sử dụng khu tập kết vì mục đích tiếp tục chiến sự hoặc phục vụ cho một chính sách hiếu chiến. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Lào và Campuchia về việc không tham gia bất kì hiệp định nào với nước khác nếu hiệp định này bao gồm điều khoản phải tham gia liên minh quân sự trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
6. Hội nghị công nhận mục đích chính của Hiệp định liên quan tới Việt Nam là để giải quyết vấn đề quân sự theo hướng chấm dứt xung đột và đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ. Hội nghị bày tỏ sự tin tưởng rằng việc thực hiện những điều khoản đề ra trong hiệp định đình chiến sẽ tạo cơ sở cho việc đạt được một giải pháp chính trị tại Việt Nam trong tương lai gần.
7. Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7/1956.
8. Những điều khoản trong Hiệp định đình chiến nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân và tài sản phải được tuân thủ một cách nghiêm túc và phải cho phép mỗi người dân Việt Nam được quyền tự do quyết định nơi họ sinh sống.
9. Các bên không được phép trả thù những cá nhân đã hợp tác với đối phương trong thời chiến cũng như gia đình của những người này.
10. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Pháp về việc sẵn sàng rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia theo yêu cầu của chính phủ những nước liên quan trong thời gian do các bên lựa chọn.
11. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Pháp về giải pháp khôi phục và củng cố hoà bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng sự tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước.
12. Trong quan hệ với Việt Nam, Lào, Campuchia, mỗi thành viên tham dự Hội nghị Genève sẽ tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước.
13. Các thành viên tham dự hội nghị đồng ý hỏi ý kiến nhau về bất kỳ vấn đề nào Uỷ ban Giám sát quốc tế đưa ra.
Tuy bản tuyên bố cuối cùng này không được bất cứ một phái đoàn nào tham gia hội nghị ký kết nhưng các nước này vẫn chấp nhận chính thức và cam kết tôn trọng Hiệp định.
Như vậy sau 75 ngày kiên trì đấu tranh, thương lượng trên bàn hội nghị, Hiệp định Gionever đã được thông qua, trở thành tuyên ngôn chính thức về việc thiết lập hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương. Tuy không đạt được nhiều thỏa ước như mong muốn và phản ánh đúng những thắng lợi mà ta đã đạt đuộc trong thời gian này nhưng bản Hiệp định này đã tạo đà thắng lợi cho sự phát triển của chiến tranh chống quân xâm lược và cách mạng Việt Nam sau này. Với Hiệp định này, quân đội viễn chinh Pháp không còn cách nào khác là buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút hết lực lượng về phía bên kia vĩ tuyến 17 theo đúng giao ước. Ta đã giải phóng được hoàn toàn miền Bắc, bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương to lớn và vững chắc cho nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thắng lợi quan trọng này là kết quả của đường lối cách mạng, kháng chiến và ngoại giao đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự và chính trị; minh chứng hùng hồn chính sách đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế của Đảng và nhân dân ta. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, 21 năm sau đó đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối./.