Trong kỳ họp thứ X Hội đồng Nhân dân tỉnh diễn ra từ ngày 8 đến 10/7, đồng chí Phạm Việt Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời chất vấn nhiều câu hỏi của đại biểu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu nội dung câu hỏi và trả lời chất vấn của đồng chí Phạm Việt Dũng liên quan đến các vấn đề Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Câu hỏi 1
Tồn tại hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa còn tồn tại, đến thời điểm hiện tại có 19 điểm di tích chưa được cắm mốc bảo vệ, nhiều di tích chưa được cấp chứng nhận sử dụng đất.
Trả lời:
1. Tồn tại
Hiện nay tỉnh Điện Biên có 22 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó: 01 di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ với 45 điểm di tích thành phần do Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý); 13 di tích Quốc gia; 08 di tích xếp hạng cấp tỉnh theo phân cấp do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý và đã giao cho UBND các xã, phường nơi có di tích được xếp hạng trực tiếp bảo vệ, quản lý.
Trong thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập là do:
- Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ phân bố trên phạm vi rất rộng, nằm dàn trải trên nhiều địa bàn, phần lớn các di tích được khoanh vùng theo hệ bản đồ cũ, trong khi muốn cắm mốc cần phải có tọa độ cụ thể, được định vị bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS, việc làm này cần có thời gian và kinh phí để Sở và các địa phương triển khai thực hiện.
- Hiện nay hầu hết các hộ dân sinh sống cũng như tài sản trên đất thuộc khu vực bảo vệ của di tích chưa có kinh phí để đền bù, giải tỏa nên chưa có di tích nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Việc cắm mốc bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh đạt kết quả thấp, hiện chỉ có 02/22 di tích được cắm mốc bảo vệ (di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ và di tích thành Bản phủ); trong đó di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ chỉ có 28/45 di tích thành phần được cắm mốc trên thực địa nhưng số lượng mốc còn ít và chưa được gắn tọa độ vệ tinh, một số điểm không có khu vực bảo vệ II, việc này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đất các di tích bị lấn chiếm và trên thực tế đã có những điểm di tích bị lấn chiếm.
- Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên kinh phí chi cho các hoạt động trùng tu, tôn tạo, khai thác phát huy giá trị di tích còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, một số dự án đang chậm tiến độ, chậm đưa vào phục vụ khách tham quan.
- Việc quản lý đất, cây rừng nằm trong khu vực bảo vệ di tích còn chồng chéo, chồng lấn... do thực trạng sử dụng đất qua nhiều thế hệ nên chưa xác định được đầy đủ chủ thể quản lý cây cối, hoa màu trên đất di tích.
2. Hạn chế
- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá còn hạn chế, ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích chưa cao. Công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hóa chưa triển khai sâu rộng, mới thực hiện ở cấp tỉnh và cấp huyện.
- Bộ máy quản lý di tích chưa được kiện toàn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trình đọ chuyên môn còn hạn chế nhất là cán bộ làm công tác trùng tu, tôn tạo di tích; đội ngũ cán bộ chuyên môn ở địa phương mỏng, ít được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ.
- Các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích tuy đã được chú trọng nhưng còn chậm, chưa đáp ứng đủ nguồn lực đầu tư để trùng tu, tôn tạo, phục dựng với nhu cầu quy mô của di tích; hiện mới tập trung đầu tư tôn tạo tại một số điểm di tích thành phần thuộc di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ.
- Việc thực hiện các hoạt động quy hoạch, cấp đất cho di tích còn chậm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn với các ngành liên quan và địa phương trong việc thực hiện thủ tục hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích.
- Mối quan hệ giữa gìn giữ, phát huy giá trị di tích và việc khai thác di tích để xây dựng sản phẩm du lịch phát triển kinh tế - xã hội còn bất cập, hạn chế; chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch và việc tuyên truyền về giá trị của các di tích ít được quan tâm.
3. Nguyên nhân
* Nguyên nhân khách quan
- Địa bàn của tỉnh rộng, hạ tầng cơ sở chưa phát triển; tỷ lệ đói nghèo cao, đời sống nhân dân còn ở mức thấp; trình độ dân trí không đồng đều, ý thức của một số người dân còn hạn chế; hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng về loại hình, chủ yếu nằm trên những đồi núi cao, cách xa trung tâm các huyện, thị, thành phố.
- Do yếu tố thời gian, khí hậu khắc nghiệt nên một số di tích lịch sử mà đặc thù là loại hình di tích chiến trường, ngoài trời, trải dài trên nhiều địa bàn (di tích Chiến trường Điện Biên Phủ), dễ bị phá hủy, xuống cấp theo thời gian.
- Nguồn kinh phí ngân sách Trung ương cấp chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi nguồn lực địa phương rất hạn hẹp, tiến độ bảo tồn, tôn tạo còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách đặt ra.
- Các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, một số dự án đang chậm tiến độ, chậm đưa vào phục vụ khách tham quan.
* Nguyên nhân chủ quan
- Chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp và nhân dân, chưa thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện về luật Di sản cũng như các qui định về bảo vệ di tích.
- Ngân sách nhà nước chi cho công tác khảo sát, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học xếp hạng, trùng tu, tôn tạo, tu bổ, sửa chữa, khai thác phát huy giá trị di tích còn hạn hẹp, việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Việc kiểm kê, cắm mốc giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các điểm di tích còn chậm, nhiều di tích đã được xếp hạng, nhưng chưa được đầu tư, tôn tạo và đang trong tình trạng xuống cấp.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công, trung hạn, các dự án, đề án liên quan đến công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng thuộc địa bàn địa phương quản lý, cụ thể như: Chưa quan tâm bố trí kinh phí để sửa chữa các hạng mục di tích hư hỏng, xuống cấp, chưa triển khai cắm mốc bảo vệ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.
4. Giải pháp khắc phục trong thời gian tới
Đối với di tích do cấp huyện quản lý: Sở đã có văn bản đề nghị UBND cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công, trung hạn, các dự án, đề án liên quan đến công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng thuộc địa bàn địa phương quản lý, như: triển khai cắm mốc bảo vệ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích và quan tâm bố trí kinh phí để sửa chữa các hạng mục di tích hư hỏng, xuống cấp;
Đối với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ: Xác định tầm quan trọng của việc cắm mốc bảo vệ, tiến tới cấp quyền sử dụng đất cho các điểm di tích, UBND đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, đo đạc, thu lập dữ liệu để lập bản đồ hiện trạng; tham mưu cho UBND tỉnh phương án giải tỏa các hộ dân đang sinh sống trong phạm vi di tích, tiến hành khoanh vùng, cắm mốc, cấp quyền sử dụng đất các điểm di tích. Tuy nhiên do nhu cầu kinh phí khá lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách trong giai đoạn này, nên trước mắt trong khi chờ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; UBND tỉnh đã chỉ đạo và hiện nay Sở VHTTDL đang tiến hành lập phương án khoanh vùng, cắm mốc, cấp quyền sử dụng đất cho những điểm di tích không phải giải phóng mặt bằng để thuận lợi cho công tác quản lý.
Câu hỏi 2
Một số cổ vật đã được bàn giao cho Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch nhưng chưa được quan tâm bảo quản đúng mức. Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa, thể thao và du lịch quan tâm công tác bảo quản các hiện vật khảo cổ, hiện vật văn hóa sưu tầm được?
Trả lời:
Nhất trí với ý kiến Đại biểu, nội dung đại biểu phản ánh đúng một phần thực trạng hiện nay của Bảo tàng tỉnh Điện Biên, do Bảo tàng tỉnh chưa có trụ sở chính thức, từ năm 2011 sau khi có dự án xây dựng nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại tổ dân phố 3 phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, Bảo tàng tỉnh Điện Biên được di chuyển lên ở tạm tại Kho hiện vật Lòng hồ thủy điện Sơn La nằm trong Trụ sở II của Sở VHTTDL tại tổ dân phố 9 phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho đến nay.
Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và phát huy giá trị của hơn 4.000 hiện vật phản ánh bề dày lịch sử, văn hóa của tỉnh Điện Biên từ thời tiền sử đến đương đại như hơn 1000 hiện vật dân tộc, hơn 700 hiện vật khảo cổ học, 783 cổ vật; Lưu giữ hệ thống bộ sưu tập giá trị như bộ sưu tập tiền cổ đặc biệt là bộ sưu tập trống đồng với gần 40 chiếc các loại H2, H3, H4 với những nét riêng, độc đáo được các nhà khoa học, nghiên cứu kim khí đầu ngành của Việt Nam đánh giá cao…
Kho bảo quản hiện vật của Bảo tàng tỉnh diện tích rất chật hẹp (tổng diện tích kho 02 tầng: 500 m2 ) nên một số hiện vật có giá trị còn phải xếp chồng lên nhau, điều kiện ánh sáng không có đủ, độ ẩm đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bảo quản hiện vật, cùng với sự xâm hại của các loại côn trùng gây ra tình trạng mối mọt, oxy hóa, khó khăn cho công tác bảo quản và trưng bày thành kho mở phục vụ du khách và các nhà nghiên cứu.
Trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, Sở đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất bảo quản các hiện vật có giá trị, cụ thể:
- Hiện vật trống đồng, đồ đồng và hiện vật gốm sứ đã có tủ, giá, hòm, kệ để cất giữ còn chưa được bảo quản bằng hóa chất và công nghệ để kéo dài tuổi thọ cho hiện vật.
- Hiện vật cổ vật bằng chất liệu giấy chủ yếu là sách cổ dân tộc Dao, dân tộc Tái, dân tộc Lự đã được bảo quản bằng phương pháp trị liệu, xông ủ hiện vật theo đúng tiêu chuẩn bảo quản hiện vật bảo tàng
- Kiến nghị, đề xuất: Trong thời gian trước mắt Sở tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án bảo quản trống đồng; cấp kinh phí để bảo quản cổ vật bằng tiêu chuẩn công nghệ mới. Mua tủ lạnh, máy đo nhiệt kế để bảo quản hiện vật theo tiểu chuẩn của kho cơ sở bảo tàng.
Về lâu dài kính đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan quan tâm quy hoạch đất xây dựng Bảo tàng tỉnh tại vị trí phù hợp có đầy đủ hệ thống hạ tầng để xây dựng thiết chế Bảo tàng tỉnh xứng tầm với vị trí vai trò quảng bá lịch sử, văn hóa của tỉnh.
Kính đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đưa dự án xây dựng Bảo tàng tỉnh vào đầu tư công trung hạn của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo để dự án có thể triển khai thực hiện.
Câu hỏi 3
Tên dự án “Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ” để phù hợp với Văn bản 609 của Thủ tướng Chính phủ. Tại mục tiêu đầu tư cho phù hợp “đã hy sinh trong chiến thắng Điện Biên Phủ” đề nghị điều chỉnh thành “đã hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ”.
Đề nghị giải trình làm rõ tính chân thực của tài liệu lịch sử là “chiến dịch” hay “chiến trường”. Theo đó, có sửa hay không sửa?
Trả lời:
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Để giành được chiến thắng đó có sự cống hiến, hy sinh xương máu của hàng ngàn chiến sỹ, thanh niên xung phong cùng đồng bào nhân dân các dân tộc trên mảnh đất lịch sử - Điện Biên Phủ. Đến thời điểm hiện tại, số lượng hài cốt các liệt sỹ hy sinh được quy tập về các Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Điện Biên để thờ phụng là chưa đầy đủ, số lượng hài cốt của các liệt sỹ vĩnh viễn nằm lại trên các điểm Di tích thuộc Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ còn rất lớn, không còn có khả năng quy tập.
Để tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn", “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì việc đầu tư xây dựng công trình “Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ” là rất cần thiết. Đây là công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, công trình còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ khi đến Điện Biên.
Về tên dự án: Tại thời điểm xây dựng phương án đầu tư xây dựng dự án là "Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Chiến trường Điện Biên Phủ”; Hồ sơ phương án đầu tư xây dựng đã được tổ chức lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cơ quan chức năng của tỉnh. Trên cơ sở Thông báo số 5084/TB-BVHTTDL ngày 24/11/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có nội dung tham gia đề nghị điều chỉnh tên dự án cụ thể: "Đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ" thành "Đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ".
Tiếp theo tên gọi của dự án đã được thống nhất tại các Văn bản 9003/CV-VPTW ngày 09/3/2017 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương về việc chủ trương thực hiện đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; Văn bản 723-CV-TU ngày 22/3/2019 của tỉnh ủy Điện Biên về việc triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; Văn bản 877/UBND-KGVX ngày 02/4/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ và công trình Đề thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chến dịch Điện Biên Phủ.
Về tên gọi công trình được thống nhất là: "Đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ".
Hiện nay dự án trên do Ban quản lý chuyên ngành xây dựng và công nghiệp thực hiên, đã thực hiện xong bước tuyển chọn phương án kiến trúc và đang triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.