Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng riêng, gọi đó là bản sắc văn hóa được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Yếu tố để dễ dàng nhận diện được văn hóa của từng dân tộc được thể hiện qua tập quán xã hội và tín ngưỡng, đặc biệt là lễ hội. Với người Khơ Mú có Lễ cầu mùa (Tê Hrệ) là di sản tiêu biểu mà cộng đồng duy trì thực hành và gìn giữ.
Lễ được diễn ra vào khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch - thời điểm cây lúa đang phát triển, lá lên xanh tốt. Thông qua Lễ cầu mùa đã hiện ra một bức tranh sinh động phản ánh tri thức dân gian về sản xuất nông nghiệp, khát vọng về cuộc sống ấm no, hướng tới tương lai với những điều tốt đẹp; đặc biệt thể hiện được tính cố kết cộng đồng, phát huy khả năng thực hành và sáng tạo về văn hóa, nhiều loại hình di sản được bảo tồn như các nghi thức, nghi lễ, trang phục truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian qua những lời ca, điệu múa hòa quyện cùng âm thanh của nhạc cụ, đạo cụ mang đậm chất Khơ Mú.
Trước ngày diễn ra Lễ cầu mùa, người dân trong bản đã thống nhất chọn vị trí phù hợp để làm lễ ở trên nương, họ dựng một lán ngay cạnh vị trí ấy để làm chỗ nghỉ ngơi và tập trung mọi người trong quá trình làm lễ. Đồng thời, người dân cũng có sự chuẩn bị khá kỹ cho phần nghi lễ tại nhà thầy cúng. Đại diện các gia đình đi lấy nắm lá lúa từ trên nương của mình tượng trưng cho việc đánh dấu vị trí làm nương của họ đem về nộp cho thầy cúng để mong thầy cúng mời gọi thần linh xin hãy phù hộ cho những thửa nương luôn xanh tốt và cho những bông lúa trĩu hạt.
Những người già (là nam giới) cùng với thầy cúng lên rừng lấy tre về để đan giá làm bàn thờ đặt đồ lễ trên nương; cũng từ tre họ làm thành chén để rót rượu mời cúng, bát để đựng thịt, canh, ớt, muối; đũa để mời thần linh hay còn gọi là các ma (người Khơ Mú quan niệm mọi vị trí trong bản đều có các ma ngự trị như như ma trời, ma đất, ma núi, ma rừng, ma sông, ma suối..). Họ làm dao thái và những ống đựng nước, đựng rượu; đan vòng tay, vòng cổ, nhẫn cho các thần linh (vòng và nhẫn dành cho nam là màu xanh còn nữ giới là màu trắng); đan cầu thang để đặt trước bàn cúng - những bậc thang được tạo ra phải là số lẻ 7 bậc hoặc 9 bậc giống với quan niệm nhà ở của người Khơ Mú phải để cầu thang bậc lẻ, đan ta leo (Tạ thrẹ) - biểu tượng cho việc cấm kỵ khu vực làm lễ, gồm 02 màu lạt là màu xanh và màu trắng (họ quan niệm màu xanh tượng trưng cho con trai được đan vắt lên trên, màu trắng tượng trưng cho con gái được đan bẻ xuống dưới. Nhưng cũng có thể rộng hơn đó là sự giao hòa giữa âm và dương, giữa trời và đất tạo sự sinh sôi, phát triển. Ta leo gắn với nghi lễ, gắn với khát vọng cầu mùa của người Khơ Mú). Sau khi chuẩn bị xong các đồ vật làm cúng, thầy cúng và những người phụ sẽ đem rửa sạch và để gọn ở một nơi và đặc biệt kiêng kỵ không để người bước qua.
Bên cạnh đó, người Khơ Mú còn chuẩn bị đồ lễ như: lợn, gà, xôi, rượu, cơm, canh, 01 bộ trang phục nam, 01 bộ trang phục nữ, khăn piêu, túi dành cho nữ, vải thổ cẩm, vòng cổ và vòng tay bằng bạc, sáp ong, gương, lược, tẩu hút và lá thuốc.
Chiều tối, mọi thứ đã chuẩn bị xong, thầy cúng tiến hành lau dọn bàn thờ của của thầy cúng và bàn thờ tổ tiên để làm lý báo cáo và xin phép cho thầy cúng được đứng ra thực hiện nghi lễ cầu mùa.
Ngày hôm sau - ngày chính thức diễn ra Lễ cầu mùa, đại diện các gia đình cả nam và nữ ăn mặc gọn gàng với bộ trang phục truyền thống,cùng tập trung về nhà thầy cúng để tiếp tục làm lý trước bàn thờ, cầu mong các ma phù hộ cho thầy cúng cùng dân bản tổ chức Lễ cầu mùa được thuận lợi.
Sau đó, thầy cúng và dân bản nối thành hàng dài cùng xuất phát ra nương - vị trí chọn làm Lễ cầu mùa. Người dẫn đầu là thầy cúng bê mâm và các đồ lễ đã chuẩn bị, tiếp đó là những người đàn ông của bản hỗ trợ thầy cúng cầm theo những đồ lễ, đi sau cùng là những người phụ nữ - mỗi người đều khoác một chiếc túi màu trắng, tay cầm tăm đao vừa đi vừa đánh đao tạo âm thanh vui nhộn đưa bước chân đoàn người ra nương làm lễ.
Đến nương, thầy cúng và những người đàn ông tập trung dựng bàn thờ, phụ nữ thì phối hợp hỗ trợ một số việc. Nếu như trước đây người Khơ Mú quan niệm cấm phụ nữ tham gia nghi lễ thì ngày nay nhận thức và quan điểm của họ đã cởi mở hơn, tất cả nam nữ trong bản đều có thể tham gia. Một số nữ giới cao tuổi có thể trực tiếp phụ giúp thầy cúng bày biện lễ vật. Dựng bàn thờ xong, họ tiến hành bày trí, thanh ngang trên cao bàn thờ họ bày trang phục, túi vải, vải thổ cẩm và khăn piêu, ở cạnh 02 bên là treo ống nước và những vòng tay nối thành chuỗi dài. Trên giá thờ chính bày những nắm lá lúa, chén, bát, đũa, vòng bạc, gương, lược, nến sáp ong, xôi, rượu, tẩu hút và lá thuốc, phía trước 02 bên giá thờ treo vòng cổ (làm bằng tre) của nam và nữ, xung quanh dưới chân giá thờ cắm taleo. Ở chính giữa giá thờ được đặt cầu thang ngụ ý đây là lối lên xuống nhà ma (bàn thờ cúng), mời các ma về thụ hưởng lễ vật.
Trong lúc nam giới bày trí bàn thờ thì phụ nữ dàn hàng làm cỏ nương lúa với mong muốn cây lúa hãy phát triển, vươn cao, tránh sâu bệnh và thể hiện sự chăm chỉ lao động của con người, mong muốn được mùa trên mỗi nương rẫy của mình.
Mọi thứ bày trí xong xuôi, thầy cúng tiến hành cúng sống lễ vật, đầu tiên là cúng gà, vừa cúng vừa nhổ ít lông ném đi các hướng tượng trưng cho việc mời các ma về ăn thịt gà. Sau cúng gà là cúng lợn. Cúng xong thì đem cắt tiết và lấy ít tiết quét lên giữa những bậc thang của nhà ma (bàn thờ cúng) và các taleo để ngăn chặn những ma xấu, ma ác. Sau đó, gà và lợn được đem luộc chín để cúng. Thầy cúng rót rượu, xé thịt, véo xôi, múc canh mời các ma ăn, cầu xin các ma hãy phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt để tích cực lao động sản xuất và bảo vệ mùa màng được tốt tươi.
Một phần của lễ cầu mùa được đông đảo dân bản tham gia đó là sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Ban ngày thì cộng đồng thực hiện các nghi lễ, còn buổi tối tại nhà trưởng bản sẽ là không gian về nghệ thuật trình diễn. Tại đây được coi là sân chơi mang tính giải trí cao, thể hiện sự lạc quan, hứng khở và tính gắn kết cộng đồng của người Khơ Mú. Mỗi người dân là một chủ thể văn hóa, họ thỏa sức hòa mình vào những lời ca, điệu múa, trình diễn nhạc cụ dân tộc. Đó là những bài dân ca Khơ Mú, một số nhạc cụ như sáo mũi, đàn nhị và cả tăm đao. Nổi bật hơn cả phải kể đến nghệ thuật múa Khơ Mú, điệu múa sạp là không thể thiếu trong lễ cầu mùa, đây là điệu múa để cầu mưa xuống cho cây lúa đơm bông, kết hạt. Sự biểu đạt rõ nét của điệu múa này là khi các cô gái đưa bước nhảy sạp thì một người già có uy tín trong bản sẽ đi té nước vào tất cả mọi người, tượng trưng cho những hạt mưa đem lại may mắn cho cộng đồng. Ngoài múa sạp, dân bản còn múa tăm đao, múa chiêng, múa tăng pu, xòe vòng...
Lễ cầu mùa (Tê Hrệ) là một trong những lễ hội độc đáo và tiêu biểu của người Khơ Mú. Tuy nhiên, một số nơi lễ hội đã bị mai một, do vậy di sản cần được nhân rộng bảo tồn tại các địa phương có cộng đồng người Khơ Mú sinh sống. Lễ cầu mùa không chỉ thể hiện niềm tin, khát vọng của con người hướng tới những điều tốt đẹp trong lao động sản xuất mà còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Nếu gìn giữ và phát huy tốt khả năng sáng tạo và thực hành của người Khơ Mú đối với Lễ cầu mùa thì đây còn là điểm đến của rất nhiều du khách muốn nghiên cứu, tìm hiểu và trải nghiệm về văn hóa tộc người.