Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II, năm 2019 được tổ chức từ ngày 18-20/10 tại tỉnh Điện Biên có quy mô toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa nhằm góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Việc tổ chức Ngày hội nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái trên cả nước; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái hòa chung trong cộng đồng 54 dân tộc, góp phần “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Tại Ngày hội với nhiều hoạt động Văn hóa, Thể thao du lịch được diễn ra tưng bừng tại Quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ, đã thu hút hàng ngàn lượt khán giả, du khách đến đón xem và hòa chung vào các không gian trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục, tập quán, chữ viết cùng bản sắc của dân tộc vốn dĩ có nền văn hóa rất đa dạng và phong phú. Có lẽ, ít có dịp tại thành phố lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng này lại thu hút được đông đảo đồng bào dân tộc Thái trên mọi miền cùng nhau tụ hội về đây, vui chơi đến vậy. Những gương mặt hân hoan, những nụ cười rạng rỡ trong tiết thu nhẹ nhàng. Các nghệ nhân trong trang phục truyền thống của dân tộc Thái, khăn Piêu, áo Cóm, khiến cho sân Quảng trường như một vườn hoa xuân khoe sắc.
Tỉnh Điện Biên tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ II, đã nghiên cứu và xây dựng chương trình giới thiệu những nét đặc trưng, tiêu biểu trong bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng, văn hóa của 19 dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung; quảng bá những sản phẩm du lịch, điểm đến ấn tượng của địa phương; tôn vinh những dấu ấn, công lao của cộng đồng người Thái trong công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước; đề cao vai trò của đội ngũ diễn viên quần chúng, nghệ nhân dân gian; tổ chức nhiều hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa, thể thao phong phú, mang tính cấu kết cộng đồng cao, hướng đến chủ thể là nhân dân và du khách, trong đó đặc biệt tôn vinh nghệ thuật Xòe Thái - một trong những di sản văn hóa truyền thống mang tính nhận diện, tiêu biểu của dân tộc Thái.
Với chủ đề "Mường then - Hội xòe hoa" các tiết mục văn nghệ đặc sắc mang âm hưởng dân gian của đồng bào dân tộc Thái Điện Biên. Những làn điệu diễn xướng, điệu dân vũ, âm vang của nhạc cụ pí, trống, ngân nga cùng Bà then, đã làm cho sàn diễn cùng hòa chung không gian đậm chất sao xên, điệu inh lả của dân tộc Thái Điện Biên, nơi được coi là trung tâm của văn hóa Thái; các thiếu nữ uyển chuyển, duyên dáng tay cầm đàn tính uốn lượn tựa dòng suối trao lời gửi yêu thương làm đắm say bao người. Màn trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Thái như được hòa chung không khí cùng Bà then cầm quạt lên trời, cùng xà tích đeo bên hông tạo đường nét thanh tú, áo dài sửa luông làm dáng em thướt tha, áo cóm khăn piêu cùng em đi vào hội, các hoa văn được trang trí trên các trang phục thể hiện sự phong phú của nghệ thuật trang trí, và vô cùng khéo léo của đồng bào dân tộc Thái được mệnh danh Người đẹp Mường Then, được ví như: "Trắng nõn khuy áo bạc, cài trên ngực áo em, nơi đỉnh non e ấp, xuân sang tuổi trăng tròn".
Phần trích đoạn trình diễn giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hóa lễ Kin pang Một (ngành Thái trắng); Trình diễn nghệ thuật Xòe Thái. Những người nông dân chân chất, mộc mạc của ngày thường, nay đã tự tin đứng trên sân khấu, uyển chuyển, nhịp nhàng cùng những điệu múa, lời ca, khúc nhạc thu hút hàng ngàn cặp mắt dõi theo.
Không chỉ say xưa với các màn múa, hát, trình diễn trang phục, người xem còn bị cuốn theo vòng xoáy hấp dẫn của trình diễn múa xòe, múa sạp, khi tiếng nhạc vang lên và nhịp sạp bắt đầu, những đôi chân thoăn thoắt nhịp nhàng của các chàng trai, cô gái Thái hòa chung với những bước nhảy vụng về của du khách đã làm cho không khí múa sạp càng rộn ràng, hấp dẫn. Không phân biệt tuổi tác, vùng miền, dân tộc, họ cùng vui bên nhau trong niềm hân hoan của ngày hội. Cả đất trời Điện Biên như bừng tỉnh trong men rượu nồng say của lá rừng hòa cùng nhịp chiêng, nhịp trống xòe không tuổi...
Môn thể thao dân tộc đặc sắc đi cà kheo, thể hiện sự khéo léo từ đôi tay và đôi chân để giữ thăng bằng và đi thật nhanh thì môn Tung còn thể hiện sự khéo léo, chuẩn xác của đôi tay, tung còn còn có một ý nghĩa mang sự cầu may cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Giữa không gian, quả còn được tung lên sẽ mang những hạt giống bay theo gió rồi rơi xuống đất, sinh sôi nẩy nở mang lại mùa vui ấm và hạnh phúc.
Những hoạt động như thế này không chỉ mang lại niềm vui cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn, mà còn là nơi để các bạn trẻ có cơ hội được tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc Thái, là dịp để du khách biết nhiều hơn những nét đẹp văn hóa cũng như con người Điện Biên. Có lẽ với nhiều người, đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến các nét văn hóa độc đáo của dân tộc thái nói chung và bản sắc văn hóa thái cư trú tại tỉnh Điện Biên nói riêng, có rất nhiều những bạn trẻ, những du khách đến từ các tỉnh thành trong cả nước đã tới đây, cùng tham gia các trò chơi và thưởng thức những làn điệu âm nhạc của dân tộc. Họ bị cuốn theo vòng xòe dân tộc Thái và say trong tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã do chính tự tay mình trải nghiệm
Trong bầu không khí của mùa thu tràn ngập khắp nơi, những tiếng cười, điệu múa và những trò chơi dân gian truyền thống như líu kéo con người lại gần nhau hơn, mọi người hòa chung tiếng nói, chung niềm tin vào sự đoàn kết. Những vòng xòe nhịp nhàng ban đầu của một vài chàng trai, cô gái thái, không biết tự lúc nào đã ngày một lớn dần và trải rộng thêm, khi những bàn tay nắm lấy bàn tay, không phân biệt tuổi tác, dân tộc, họ cùng vui bên nhau trong niềm hân hoan của đất trời, đại ngàn, sông suối. Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái đã khép lại, nhưng để lại ấn tượng trong lòng những du khách tình cảm tốt đẹp. Mỗi đoàn đều mang những nét văn hóa riêng, phô diễn những nét văn hóa độc đáo, tinh túy của địa phương mình để giới thiệu với nhân dân tỉnh Điện Biên, các đoàn bạn và du khách Quốc tế. Vì vậy, mỗi tiết mục biểu diễn thực sự là một lời giới thiệu về sắc thái, vẻ đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc Thái nơi bản địa, và dù chất liệu nghệ thuật, lễ hội của mỗi địa phương là khác nhau nhưng lại có sự giao thoa, hài hòa trong tổng thể chung, một cộng đồng chung tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Tham gia ngày hội tỉnh Tỉnh Điện Biên đã đạt được giải nhất toàn đoàn gồm 15 giải (A,B,C) trong hoạt động ở các nội dung thi :Trại trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc thái, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc thái, trình diễn, giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hóa, Nghệ thuật xòe Thái và xếp thứ nhất toàn đoàn với 12 HCV, 16 HCB, 7 HCĐ.
Qua Ngày hội là dịp để đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là món ăn tinh thần cho nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết các dân tộc, gắn bó giao lưu, hiểu biết lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Thúc đẩy việc nghiên cứu, sưu tầm nhằm giữ gìn, phát triển các loại hình di sản văn hóa truyền thống; khuyến khích tính sáng tạo của các nghệ nhân dân gian, diễn viên, vận động viên, quần chúng tham gia tích cực vào lĩnh vực văn hóa, thể thao góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc trong khu vực nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm và tình cảm của nhân dân đối với văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)./.