Lễ xên Mường Thanh tỉnh Điện Biên xưa kia được cộng đồng người Thái tổ chức để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đồng thời để tỏ lòng biết ơn tới những người có công lập bản, dựng mường.

Lễ xên Mường Thanh từng được tổ chức tại 06 đông xên (rừng cúng): Đông xên Pú Vắng (dưới Ta Pố) thuộc bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên; đông xên Hua Pe (trên bản Pe) thuộc phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ; đông xên Lạng Chượng (Đồi A1) thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ; đông xên khu vực Bản Phủ thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; đông xên khu vực Noong Luống: thuộc xã Noong Luống, huyện Điện Biên;  đông xên Sam Mứn, có thành Sam Mứn (Tam Vạn): thuộc xã Pom Lót, huyện Điện Biên.

Người Thái cho rằng vào các tháng 8, 9 theo lịch Thái (tương ứng với tháng 2, 3 âm lịch của người Việt) là những tháng đẹp nhất trong năm để tổ chức lễ xên Mường Thanh. Trước đây lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, được cả cộng đồng người Thái tham gia và tự nguyện đóng góp về vật chất.

Lễ xên Mường Thanh thường diễn ra từ 3 - 5 ngày. Ngày thứ nhất là Nghi lễ tại nhà Chẩu xửa (gồm Lễ cúng ma nhà - tổ tiên tại gia đình Chẩu xửa - chủ áo; lễ Lẩu khắt, Lẩu khánh tức Lễ đánh thức thần Y Khí - tạo sức mạnh tinh thần, tăng khí thế; lễ xên Mường tại đông xên gồm lễ bảo vệ Mo và những người vào Đông xên, xướng báo chủ đông xên, đóng trụ mường, phát dọn dựng hảng - sạp lễ, dựng cổng Mường). Ngày thứ hai là ngày diễn ra lễ xên Mường Thanh - nghi lễ chính tại Đông xên (gồm nghi lễ xướng Khúm khuông (đè bẹp và xua đuổi điều xấu; nghi thức vảy nước thơm, vãi hạt giống; chuẩn bị vật hiến tế để dâng lễ; xướng lễ xên Mường và phần hội. Các hoạt động vui chơi của cộng đồng có thể kéo dài đến hết ngày thứ 3 hoặc ngày thứ 5. Đến ngày cuối cùng của lễ hội sẽ làm lễ tế nhá - lễ tế tan các ngày xên Mường Thanh; lễ trả áo cho chủ; lễ tụ hồn cho chẩu xửa và dân bản.       

Tuy nhiên, hơn 60 năm trở lại đây lễ xên Mường Thanh đã không được cộng đồng duy trì tổ chức bởi một số nguyên nhân nhất định, trong đó một phần do gián đoạn bởi chiến tranh, kéo theo đó là đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn và phải tập trung làm ăn để lo kinh tế cho gia đình. Mặt khác, sự tác động của thiên nhiên theo thời gian đã xóa dần dấu tích về các điểm đông xên và thiết nghĩ nguyên nhân nữa là do xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng đã từ bỏ dần việc tổ chức lễ hội truyền thống này dẫn đến các nghệ nhân, thầy cúng, các chủ thể văn hóa am hiểu, có thể tham gia thực hành lễ hội là rất ít.

Đứng trước nguy cơ ngày càng mai một của lễ xên Mường Thanh đòi hỏi sự cần thiết phải tiến hành phục dựng, bảo tồn lễ hội. Mục đích nhằm cụ thể hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Điện Biên về công tác phục dựng, bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trong thời kỳ mới; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Việc phục dựng, tổ chức Lễ xên Mường Thanh là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên nói riêng, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung đã bị gián đoạn tổ chức trong một thời gian dài; góp phần giáo dục thế hệ trẻ ý thức giữ gìn, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc; đáp ứng nhu cầu về văn hóa tín ngưỡng, khuyến khích người dân tham gia giữ vai trò chủ thể trong tổ chức, truyền dạy di sản văn hóa dân tộc; làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tuy nhiên việc phục dựng, bảo tồn lễ xên Mường Thanh còn gặp một số khó khăn nhất định nên chưa thể triển khai thực hiện. Trước tiên xin kể đến sự chia tách về đơn vị hành chính. Xưa kia làm lễ chung của một mường là Mường Thanh, nhưng ngày nay Mường Thanh xưa đã tách thành huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Do đó các điểm đông xên hiện đang nằm trên địa bàn của 02 đơn vị hành chính và thuộc quyền quản lý của chính quyền 02 địa phương khác nhau nên khó khăn trong việc hợp nhất ý kiến của cộng đồng trong việc tổ chức phục dựng lễ xên Mường Thanh. Cũng có thể đặt ra giải pháp là tổ chức phục dựng lễ xên Mường Thanh ở từng điểm đông xên bởi mỗi đông xên lại gắn với đối tượng được thờ cúng và cách thức chuẩn bị cho nghi lễ có sự khác nhau, đây cũng là thuận lợi để làm tách biệt từng điểm.

Nếu như đã thống nhất được địa điểm thì còn phải bàn đến kinh phí tổ chức. Lễ xên Mường Thanh là lễ hội diễn ra với quy mô lớn đòi hỏi phải có sự đầu tư kinh phí để chuẩn bị các lễ vật khá cầu kỳ và tổ chức các hoạt động theo truyền thống. Nhưng để người dân tự nguyện đóng góp như xưa kia để duy trì tổ chức hàng năm là chuyện không dễ dàng bởi nhu cầu của cộng đồng đã có sự thay đổi. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nếu như trước đây dân bản đặt niềm tin vào việc tổ chức xên Mường Thanh để cầu cho mưa thuật gió hòa và tỏ lòng biết ơn tới những người có công lập bản dựng Mường thì ngày nay khoa học công nghệ phát triển đã được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp để cho năng suất cao, đồng thời việc thờ cúng tổ tiên và những người có công được người dân tổ chức lồng ghép vào các lễ cúng bản hoặc các dịp lễ hội khác trong năm. Do đó, người dân không còn tự nguyện đóng góp để tổ chức lễ hội xên Mường Thanh theo truyền thống.Vấn đề đặt ra là để bảo tồn lễ hội, người dân mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với những điểm đông xên (những điểm làm lễ xên Mường Thanh)...

Nếu như không sớm tiến hành phục dựng, bảo tồn lễ hội sẽ có nguy cơ ngày càng mai một, thậm chí là mất hẳn vì các nội dung về lễ xên Mường chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của một số người cao tuổi (họ được chứng kiến khi còn nhỏ). Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng về tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Thái nhưng đang trong tình trạng không có nghệ nhân và chủ thể văn hóa  truyền dạy, thực hành di sản dẫn đến việc không có thế hệ kế cận nối tiếp - di sản không có tính kế thừa.

Giả thiết đặt ra là: Để phục dựng, bảo tồn lễ xên Mường Thanh để duy trì tổ chức thường xuyên thì chính quyền và nhân dân địa phương cần có sự thống nhất, lược bớt những thủ tục mang tính quy tắc theo truyền thống để phù hợp với tình hình thực tế bởi di sản không phải là bất biến mà luôn có sự thay đổi bởi sự sáng tạo của con người và được cộng đồng, các chủ thể văn hóa đồng thuận về sự thay đổi đó. Họ chấp nhận sự thay đổi và tham gia thực hành, gìn giữ di sản cũng chính là cộng đồng chứ không phải do cơ quan, tổ chức nào.Theo quan điểm của UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đối với việc bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng chỉ ra rằng "bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể có thể có nghĩa là những nỗ lực của cộng đồng và người nắm giữ truyền thống để duy trì sự liên tục trong thực hành di sản đó theo thời gian. Nó không có nghĩa là không có sự thay đổi trong thực tế hoặc giá trị của di sản theo thời gian".

Lan Anh - phòng DSVH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.175.609
    Online: 74