Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bun theo tiếng Lào dịch ra tiếng phổ thông có nghĩa là lễ hội hoặc tết hay còn có nghĩa là phúc, huột dịch ra là té, nặm là nước, Bun huột nặm được hiểu là lễ hội té nước hoặc tết té nước.

Với nguồn gốc di cư từ nước Lào sang và thông qua kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ là hai di tích của tỉnh Điện Biên cho thấy người Lào theo đạo Phật dòng tiểu thừa. Bun huột nặm của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên từng được tổ chức từ thời xa xưa, khi đó tổ tiên của họ còn thực hiện nghi thức tắm tượng ở chùa; ở vùng khác như huyện Điện Biên Đông, người Lào tập trung tại tháp Mường Luân thực hiện nghi thức tắm tượng giống như Bun pi mày truyền thống ở nước Lào hiện nay. Tuy nhiên, do tác động của chiến tranh, của tự nhiên, nhận thức của người dân một thời về vấn đề mê tín dị đoan và nhiều yếu tố khác dẫn đến từ lâu tượng Phật đã không còn bởi chùa bị tàn phá không để lại dấu tích, chỉ còn lại trong trí nhớ của những người già - họ vẫn nhớ và khoanh vùng được vị trí của ngôi chùa trước đây. Những ngôi tháp không còn nguyên trạng và tượng Phật không được lưu giữ. Người Lào sống tập trung thành bản liền kề với các bản người Thái nên có sự giao thoa, ảnh hưởng về văn hóa như ngôn ngữ và một số tập tục xã hội. Hơn nữa, người Lào và người Thái cùng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái nên văn hóa của họ có những nét tương đồng, cả hai tộc người này đều có lễ cầu mưa (trong cuốn “Văn hóa và lịch sử người Thái ở Việt Nam” đã cho thấy rõ nét tương đồng về lễ cầu mưa này). Theo truyền thống, Bun huột nặm của người Lào gồm có: ngày thứ nhất diễn ra lễ căm bản (cúng bản) và ngày thứ hai kéo dài tới ngày thứ ba, thứ tư là Bun huột nặm (gồm có lễ cúng tổ tiên, lễ cầu mưa, các trò chơi dân gian và điệu múa lăm vông truyền thống).

Nhiều năm trở lại đây (từ năm 1986) người Lào ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã tổ chức Bun huột nặm vào dịp Tết Nguyên đán của người Kinh để thuận tiện cho con cháu đi học, hoặc đi làm ăn xa về đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2015 một phần nghi lễ của Bun huột nặm là Lễ cúng bản đã được tổ chức vào dịp Tết nguyên đán của người Kinh, còn lại lễ cầu mưa và các trò chơi dân gian được tổ chức theo đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào - ngày 13, 14 và 15/4 hàng năm theo Phật lịch đã góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống của người Lào.   

Các nghi thức của Lễ cầu mưa

  Ngày căm bản diễn ra vào chiều ngày 30 Tết tại lông xân (rừng cúng), chảu chẳm (thầy cúng) và chảu xửa (chủ áo) chuẩn bị đồ lễ và sắp xếp các mâm cúng, vật hiến sinh được làm thành 09 mâm lễ để đặt vào 09 ngăn trong miếu thờ:

- Ngăn thứ nhất là thờ tổ tiên cư trú tại bản Na Sang trước khi người Lào di cư đến là người Khơ Mú (người Lào kể lại rằng xưa kia người Khơ Mú trong quá trình dựng bản bị chết nhiều và bỏ đi hết. Sau đó người Lào mới di cư tới và định cư tới ngày nay), họ bày 01 mâm đầu con vật hiến sinh (đầu lợn hoặc bò) và một ít thịt băm nhỏ có đầy đủ lục phủ ngũ tạng, bày thêm vải trắng, vải kẻ màu, vòng bạc, sáp ong, lá trầu, vỏ chay.

- Ngăn thứ hai thờ 03 anh em người Lào đại diện cho 03 dòng họ là họ Vì (họ to nhất của người Lào), họ Lò, họ Lường - họ là những chủ bản người Lào đầu tiên.

- Ngăn thứ ba thờ tổ tiên dòng họ Vì.

- Ngăn thứ tư thờ tổ tiên dòng họ Lò.

- Ngăn thứ năm thờ tổ tiên dòng họ Lường.

Mỗi vị trí này người dân bày 01 mâm gồm thịt lợn hoặc thịt bò và một ít muối, bày thêm vải trắng, vải kẻ màu, vòng bạc, sáp ong, lá trầu, vỏ chay.

- Ngăn thứ sáu thờ thần núi, thần rừng và được bày mâm cúng là gà, bày thêm vải trắng, vải kẻ màu, vòng bạc, sáp ong, lá trầu, vỏ chay.

- Ngăn thứ bảy thờ thần ngự tại sông Nậm Ngam và khe suối Huổi Sang.

- Ngăn thứ tám thờ thần ngự tại các khe suối nhỏ từ trong rừng chảy về.

 Hai ngăn thứ bảy và thứ tám được bày mâm cúng là vịt bởi họ quan niệm vịt bơi ở dưới nước nên được làm vật hiến sinh cho thần sông, thần suối, bày thêm vải trắng, vải kẻ màu, vòng bạc, sáp ong, lá trầu, vỏ chay.

- Ngăn thứ chín thờ thần lúa, được bày mâm cúng là gà và bày thêm vải trắng, vải kẻ màu, vòng bạc, sáp ong, lá trầu, vỏ chay để cầu cho dân bản có mùa màng bội thu.

Bên ngoài miếu, ở giữa sân người Lào dựng 01 mâm lễ gồm vải kẻ màu, vải trắng, vỏ chay, vòng bạc, sáp ong, bên cạnh mâm có cài thêm 01 con chó được thui lên để mời ma Phi Luông - ma to nhất cai quản khu rừng về ăn.

Trong khói hương ngào ngạt và không khí trang trọng linh thiêng, tất cả dân bản cùng chảu xửa (chủ áo), chảu chẳm (thầy mo) thành kính dâng lễ vật để tạ ơn trời đất, tổ tiên, thần linh, thần rừng, thần núi... năm qua đã phù hộ độ trì cho mùa màng bội thu, con người khoẻ mạnh và cầu chúc cho mường bản bước sang năm mới luôn được khỏe mạnh, yên vui, an lành, no đủ.

Sau lễ cúng, dưới tán cây rừng mọi người quây quần bên nhau, vui vẻ ăn uống và chúc nhau những điều tốt đẹp. Theo quan niệm của đồng bào, thức ăn đồ uống ở đây là lộc trời - lộc trời không mang về làm của riêng mà hãy cùng nhau tận hưởng tại nơi trời đất ban cho. Có như vậy mọi người mới được mạnh khỏe, may mắn. Ăn xong mọi người mang trống, chiêng và các dụng cụ nấu nướng về nhà chảu xửa để tiếp tục việc cúng tổ tiên, mẹ lúa, ma nhà, ma bản.

Khi lễ cúng kết thúc, những người trong bản đã có con dâu, con rể được chảu xửa, chảu chẳm cho làm lễ đổi tên. Từ đây họ không mang tên bố mẹ đặt, mà sẽ gọi bằng tên do bản mường ban cho, được sắp sếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là Sen, Khăm, Tạo, Kẻo (theo nghĩa: Sen là những người làm các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng; Khăm: là người có chức sắc trong tộc người Lào. Tạo: là người có chức sắc từ cấp xã trở xuống và cuối cùng là Kẻo).

Sau lễ căm bản (cúng bản), sang ngày mùng Một Tết (theo lịch của người Kinh), người Lào tổ chức Bun huột nặm. Trong ngày này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm gồm: gà, bánh tráng, hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, chè… dâng thắp hương tổ tiên, mời các đời tổ tiên từ quê cũ về ăn tết, trong ngày này cả bản tổ chức ăn uống tại nhà chảu xửa, ngày mùng 3 - 4 Tết họ đến nhà nhau chúc tết và té nước (té ít nước để không bị ướt, đặc biệt là những người già không đi chơi tết chỉ ngồi ở nhà thì được mọi người đến chúc tết và té nước để lấy may mắn).

Chủ nhà đưa thức ăn cho Đoàn người đi thực hiện lễ cầu mưa

Thông thường, đến ngày thứ năm - sau khi kết thúc mọi hoạt động trong ngày Tết, dân bản tổ chức làm lễ Lắc mẳn (cúng ở gốc cây to) gần lông xân. Lắc theo tiếng Lào dịch ra tiếng phổ thông là gốc cây, mẳn là bền chặt mãi mãi hoặc không bao giờ gẫy. Lắc mẳn là một cây to gần khu vực 09 gian thờ được người Lào (khu lông xân) coi đây là nơi trú ngụ của vị thần có sức mạnh và linh thiêng nhất đối với dân bản, vị thần này đem lại sức khỏe, sự an lành cho con người và bảo vệ mùa màng giúp dân bản có cuộc sống ấm no. Xưa kia thời còn chiến tranh, những gia đình có con đi bộ đội, mỗi tháng lần lượt các gia đình mang 01 con gà và áo của người đi bộ đội vào rừng làm cúng tại Lắc mẳn để cầu mong thần linh phù hộ cho thân nhân của họ. Cho đến nay thế hệ người Lào vẫn nối tiếp duy trì tổ chức Lắc mẳn. Ngày nay họ tổ chức 2 lần/năm  tức 6 tháng/lần, trong đó tổ chức một lần vào dịp Tết nguyên đán của người Việt - sau 05 ngày ăn Tết. Năm nào làm cúng ở lông xân là bò thì ở Lắc mẳn là lợn; năm làm cúng ở lông xân là lợn thì ở Lắc mẳn là gà.

Đến ngày Tết truyền thống của người Lào - ngày 13, 14 và 15/4 hàng năm theo Phật lịch,  người Lào ở Na Sang 1 tổ chức “Xó nặm phạ phốn” (dịch nghĩa là xin nước mưa của trời, hay còn gọi là cầu xin trời cho mưa xuống, gọi ngắn gọn là lễ cầu mưa). Thực tế thì lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ chính của Bun huột nặm. Hơn nữa, Tết của người Lào được tổ chức vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho chu kỳ sản xuất nông nghiệp, thời điểm đã phát nương, đốt nương, làm đất, chọc lỗ, tra hạt, rất cần mưa xuống để hạt giống nảy mầm. Vì thế cầu mưa để cầu xin trời đất, tổ tiên, các vị thần linh ban cho những cơn “mưa vàng, mưa bạc” để hạt nảy mầm, để cây xanh lá, vạn vật sinh sôi nảy nở...

Sau lễ cầu mưa là các trò chơi dân gian như: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng); Xưa khốp mu (hổ vồ lợn); Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe); Phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu); Pít mắc tanh (hái dưa chín).

Múa "Bắt chân, bắt đầu"

Hiện nay, Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL, ngày 11/9/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lan Anh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.419.893
    Online: 31