...Được ví như là “cánh cửa” du lịch mở ra để đón khách, Lễ hội Hoa ban đã và đang từng bước xây dựng thương hiệu về một lễ hội ở miền hoa trắng với nét văn hóa phong phú, đặc sắc; xây dựng được nét đặc trưng dựa trên bản sắc văn hóa đa dạng của chính đồng bào các dân tộc Điện Biên....

Như một lời hẹn ước, tháng ba về, Điện Biên lại ngập trong sắc trắng hoa ban. Tháng ba cũng là thời điểm quan trọng trong mùa du lịch của Điện Biên, được ghi dấu ấn đậm nét bởi sự kiện Lễ hội Hoa Ban. Lễ Hội Hoa Ban với hình tượng xuyên suốt là Hoa Ban gắn liền với giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc qua đó thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người với môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa. Lễ hội cũng góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa dân tộc; hình tượng hoa ban nói riêng, vẻ đẹp của mảnh đất, con người Điện Biên nói chung đã được giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, phát huy tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đồng thời quảng bá hình ảnh Hoa Ban nhằm đưa hình tượng Hoa Ban trở thành biểu trưng cho mảnh đất và con người Điện Biên - Tây Bắc.

Lễ hội Hoa Ban được tổ chức thường niên từ năm 2014, thực sự đã gặt hái được nhiều thành công qua 4 kỳ tổ chức, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với vùng Tây Bắc và tỉnh Điện Biên. Việc xây dựng thương hiệu Lễ hội Hoa Ban Điện Biên có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch Điện Biên và sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn. Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch như: triển lãm văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Điện Biên; Liên hoan dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống các dân tộc; trình diễn lễ hội và nghi thức văn hóa dân gian; trưng bày triển lãm sách, ảnh, sản phẩm, quà tặng du lịch; giao lưu, thi đấu thể thao các môn bóng chuyền, việt dã, các trò chơi, thi đấu thể thao dân gian như ném còn, pa pao, kéo co, giã bánh dày, tù lu...  mang màu sắc, dấu ấn riêng của mảnh đất và con người nơi đây; tập trung khai thác các giá trị di sản văn hóa truyền thống quý báu của 19 dân tộc trong tỉnh; qua đó đã phản ánh bức tranh đa sắc màu về núi rừng, văn hóa, con người Điện Biên - Tây Bắc.  

Để quảng bá và thu hút người dân và du khách đến với Lễ hội Hoa ban hàng năm cũng như du lịch Điện Biên, Ban tổ chức lễ hội luôn nỗ lực làm mới với nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo hơn. Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Lễ hội Hoa Ban lần đầu tiên tổ chức quy mô cấp quốc gia, là hoạt động mở màn cho Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên năm 2014 với điểm nhấn là đoàn diễu hành gồm 15 xe hoa mô hình, trong đó có 8 xe giới thiệu về hoa ban, bản sắc, tiềm năng của Điện Biên và 7 xe hoa mô hình của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang góp phần phô diễn tinh hoa văn hóa Tây Bắc. Năm 2015, Lễ hội hoa ban được tổ chức lần thứ 2, với nguồn kinh phí được bố trí hạn hẹp, chỉ bằng 1/10 so với Lễ hội lần đầu tiên năm 2014, trong khi nội dung chỉ bớt đi chương trình diễu hành đường phố. Nhưng Ban tổ chức lễ hội đang nỗ lực hết sức để đảm bảo thực hiện thành công Lễ hội và đặc biệt ấn tượng với phần trình diễn trang phục truyền thống, lễ hội dân gian các dân tộc. Lễ hội Hoa Ban 2016 và công bố Quy hoạch phát triển tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang cùng sự tham dự của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang) và Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, có màn giao lưu các môn thể thao, trò chơi dân gian, giải bóng đá giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với 03 tỉnh Bắc Lào và Thái Lan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận, đánh giá là Lễ hội tiêu biểu trong việc quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch trên phạm vi toàn quốc trong năm 2016 và từng bước đưa Điện Biên trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia trong những năm tới.       

Tiếp nối những thành công, Lễ hội Hoa Ban 2017 đã tạo ấn tượng mạnh cả về quy mô và nội dung với thêm nhiều điểm mới, đặc sắc, hấp dẫn như: Cuộc thi “Người đẹp Hoa Ban” thu hút sự tham gia của các thí sinh đến từ 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang); Thi xe đạp thồ Điện Biên Phủ khắc họa lại kỳ tích của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Bên cạnh đó tại Lễ hội Hoa Ban năm 2017 còn đa dạng hóa loại hình truyền thông, thông tin quảng bá. Ngoài hình thức truyền thống là tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động mặt đường, đã chú trọng tuyên truyền trên hệ thống xe vận tải hành khách, đặc biệt là các tuyến xe liên tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, diễn đàn được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ nhằm mở rộng quy mô tuyên truyền, tập trung hướng đến đối tượng là nhân dân, du khách tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc.

Luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng trong công tác tuyên truyền, quảng bá cho Lễ hội Hoa ban. Năm 2017, Sở VHTTDL đã tập trung tuyên truyền quảng bá cho lễ hội tại các sự kiện lớn như Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 (ITE HCMC), phố đi bộ Nguyễn Huệ (thành phố Hồ Chí Minh); các hoạt động giao lưu văn hóa và giới thiệu, quảng bá du lịch Điện Biên diễn ra từ 19 đến 21/1/2018, tại khu vực phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội với sự tham gia của gần 100 đơn vị kinh doanh du lịch Điện Biên, Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí... để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch Điện Biên, trong đó tập trung giới thiệu, tuyên truyền về Lễ hội Hoa ban 2018.  

Qua các năm tổ chức Lễ hội Hoa ban cho thấy lượng du khách trong và ngoài nước đến Điện Biên ngày càng đông, nhất là trong dịp Lễ hội Hoa ban. Đến đây, du khách không chỉ được tham quan quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ vào những ngày lễ hội diễn ra, mà còn có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức nét đẹp vùng cao, khám phá sắc màu Tây Bắc trong không gian đậm đà bản sắc dân tộc. Từ năm 2014 -2016, trong tháng 3, số khách đến Điện Biên đạt từ 41.400 lượt đến 48.000 lượt, tăng từ 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017 đạt 70.000 lượt (trong đó khách quốc tế đạt 11.500 lượt) đạt 12,5% so với kế hoạch năm, tăng 45,8% so cùng kỳ 2016, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 81,5 tỷ đồng, đạt 9,2% so với kế hoạch năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Với những con số ấn tượng đó, đã có thể khẳng định được lễ hội hoa ban đang ngày càng hấp dẫn hơn, thu hút lượng du khách đông đảo hơn.

Đến với Điện Biên mùa hoa ban, đến với mùa lễ hội cũng là dịp để du khách đến với rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở các huyện, thị, thành phố đến tận các thôn bản. Vì thế, lễ hội hoa ban Điện Biên bao gồm nhiều hoạt động, được kéo dài thời gian diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, trọng tâm các hoạt động được tổ chức vào trung tuần tháng 3. Và đây cũng chính là cơ hội “vàng” thúc đẩy hoạt động xúc tiến, đầu tư giữa Điện Biên với các tỉnh, thành trong cả nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp lữ hành tiếp cận thiết kế tour cho du khách cũng như quảng bá nét văn hóa đặc sắc của Điện Biên với du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra còn là dịp tăng cường hợp tác, liên kết, phát huy tiềm năng thế mạnh, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh phát triển du lịch lịch sử, văn hóa sinh thái và tâm linh gắn với hoa ban. Đặc biệt là để xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh, từ đó từng bước đưa Điện Biên trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia trong những năm tới.

Lễ hội Hoa Ban năm 2018 với chủ đề "Hoa ban -Tình ca Điện Biên"  được tổ chức từ tháng 3 - 5/2018, trọng điểm các hoạt động được tổ chức từ ngày 17 - 19/3/2018 tại Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Lễ hội gồm các hoạt động: Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hoa Ban - Tình ca Tây Bắc” được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, Đài PTTH Điện Biên, Đài PTTH một số tỉnh, thành trong nước; Trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số; Hoạt động giao lưu thi đấu thể thao, trò chơi có thưởng bóng đá mini, tung còn, kéo co, tù lu, giã bánh dày, xe đạp thồ, đi cà kheo, đẩy gậy)…

Được ví như là “cánh cửa” du lịch mở ra để đón khách, Lễ hội Hoa ban đã và đang từng bước xây dựng thương hiệu về một lễ hội ở miền hoa trắng với nét văn hóa phong phú, đặc sắc; xây dựng được nét đặc trưng dựa trên bản sắc văn hóa đa dạng của chính đồng bào các dân tộc Điện Biên. Ngoài tạo ấn tượng mở màn cho mùa du lịch bằng Lễ hội Hoa ban thì sự liên kết chuỗi trong tổ chức các hoạt động cũng như tạo các sản phẩm du lịch đặc sắc mang thương hiệu Điện Biên. Việc tổ chức Lễ hội Hoa Ban đã đáp ứng được yêu cầu vừa bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Điện Biên, tăng cường khối đại đoàn kết, vừa góp phần quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, thực hiện hiệu quả việc xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh, góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch cả nước. 

Thùy Dương

Trung tâm Văn hóa tỉnh

(Ảnh: Văn Thành Chương)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.151.379
    Online: 50