Trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên tồn tại các hoạt động tín ngưỡng gắn với tập tục, quan niệm của cộng đồng. Những hoạt động tín ngưỡng mang ý nghĩa tích cực, góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Các tín ngưỡng tiêu biểu như: thờ người có công với đất nước, điển hình như thờ nhân vật lịch sử Hoàng Công Chất tại đền Hoàng Công Chất - di tích Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; thờ cúng xử ca của người Mông, thờ cúng tổ tiên, thờ thần sông, thần suối, thần rừng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và tín ngưỡng thờ Then của người Thái trắng.

Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ biến tại cộng đồng các dân tộc. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của cộng đồng, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó còn là tập tục nhằm phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của các dân tộc. Các dân tộc quan niệm rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng linh hồn vẫn gần con cháu, phù hộ cho con cháu khi gặp khó khăn; vui mừng khi con cháu gặp may mắn, khuyến khích cho con cháu luôn gặp điều lành và cũng quở trách con cháu khi làm những điều tội lỗi. Mỗi dân tộc có cách thức khác nhau về việc thờ cúng, như lựa chọn các thời điểm cúng trong năm hoặc cách đặt vị trí bàn thờ có thể là gian chính giữa nhà hoặc gian bếp - tùy theo tập tục của  từng dân tộc.

Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, hầu hết các dân tộc còn có tín ngưỡng đa thần. Họ tin vào sức mạnh và sự nhiệm màu của các vị thần linh cai quản tại các khu vực như rừng, sông, suối, đất đai, thậm chí cả cây cối cũng có thần ngự trị. Do đó người dân luôn có niềm tin ở các đấng siêu nhiên và thực hiện các nghi lễ cầu cúng để mong được phù hộ cho con người khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, cây cối phát triển, mùa màng bội thu.

 Tại Di tích Thành Bản Phủ, Đền thờ Hoàng Công Chất được Nhà nước và Nhân dân tôn tạo, gìn giữ. Đây được coi là điểm đến thiêng về tâm linh đối với các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tại đây, chính quyền và Nhân dân địa phương hàng năm tổ chức lễ hội vào ngày chính là 24/02 - 25/02 âm lịch để tưởng nhớ công lao của vị tướng Hoàng Công Chất cùng các nghĩa quân về công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng Mường Thanh, bảo vệ vững chắc vùng biên cương tổ quốc của nghĩa quân Hoàng Công Chất và nhân dân các dân tộc Tây Bắc ở thế kỷ 18.

Theo quan niệm của người Mông, Xử ca (có nơi người Mông còn gọi là xử cang) là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông (ma nhà gồm: ma tổ tiên, ma xử ca, ma buồng, ma cửa, ma bếp). Trong đó ma xử ca được họ coi trọng nhất, đó là ma có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ cho gia đình làm ăn khá giả (điều đó cũng được hiểu xử ca giống như thần tài của người Kinh), ngoài ra người Mông còn cho rằng xử ca có nhiệm vụ giữ các linh hồn trong gia đình, không cho đi lang thang. Mỗi năm vào dịp Tết (theo lịch của người Mông) họ làm lễ để thay bàn thờ mới cho xử ca (còn gọi là thay áo mới) vào ngày 30 tết. Nơi thờ xử ca được đặt ở tấm ván giữa tường phía sau đối diện với cửa chính (thường đặt cao 1,5m - 2m, gồm một miếng giấy dó màu trắng, hình chữ nhật hoặc hình vuông, ở giữa dán miếng giấy dó màu vàng hoặc màu bạc, một số túm lông gà mềm được dính vào giữa tờ giấy dó thành hình tam giác hoặc hình chữ nhật, hay hình vuông theo quy ước của từng dòng họ. Phía dưới tò giấy dó (giấy dính lông gà) là chiếc ghế dài 4 chân - nơi đặt bát hương và đồ lễ.

Cúng gà xin phép thay bàn thờ Xử ca

Đối với người Mông, họ chú trọng việc thờ cúng xử ca, còn việc thờ cúng tổ tiên không rõ nét, người Mông không làm bàn thờ tổ tiên riêng biệt và thờ cúng hàng ngày như người Kinh hay các tộc người thiểu số khác. Mỗi khi cúng tổ tiên, gia chủ mới lập một bàn thờ tổ tiên ngay trước bàn thờ xử ca, bàn thờ tổ tiên là một mâm cúng được đặt trên chiếc ghế dài bốn chân, xung quanh kê vài cái ghế ý nói là để tổ tiên ngồi hưởng lễ vật. Qua đó cho thấy tín ngưỡng thờ xử ca của người Mông được thể hiện rõ nét và tiêu biểu trong đời sống xã hội của người Mông. Đây là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng người Mông.

 Hiện nay, tín ngưỡng thờ Then của người Thái trắng chủ yếu được duy trì theo cách "Cha truyền con nối" hoặc người được truyền dạy thực hành các nghi lễ Then - có khả năng kết hợp sử dụng Tính Tẩu và hát Then. Những người làm nghề Then sẽ lập bàn thờ Then tại nhà và luôn tin tưởng vào sự phù hộ, dẫn lối của các quan Then hoặc của người thầy Then truyền dạy cho mình nhưng đã mất. Theo quan niệm của người Thái trắng, Then chỉ các vị thần linh ở Mường Trời, các quan Then được vua Trời phái xuống hạ giới vừa là vị thần hộ mệnh vừa giúp thầy Then trần gian chữa trị bệnh tật, cứu giúp con người, có nhiệm vụ giám sát, phán xét những việc đúng, sai, giúp đỡ người trần gian có cuộc sống yên ổn, ấm no, hạnh phúc. Mường Trời là nơi có những nhân vật và sức mạnh kỳ diệu, có khả năng lựa chộn người nào đó ở trần gian có khả năng làm thầy Then Thầy Then đang thực hành các nghi lễ Then là người trung gian, có khả năng giao tiếp giữa thế giới Mường Trời và Mường Trần gian. Lời khấn, lời hát trong nghi lễ của thầy Then không lưu giữ bằng văn bản mà nằm trong tâm thức của các ông (bà) Then và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bà Then bói trầu xin con

Tín ngưỡng của các dân tộc được cộng đồng thực hành, gìn giữ qua các nghi lễ. Đó là nét đẹp về văn hóa tâm linh, tạo niềm tin và là điều kiện để con người gửi gắm những ước mong, cầu nguyện về những điều tốt đẹp để có thêm động lực trong cuộc sống. Tín ngưỡng luôn gắn liền với văn hóa truyền thống nhưng cộng đồng cũng phải có nhìn nhận khách quan để đánh giá sự tác động tích cực của tín ngưỡng trong đời sống xã hội và loại trừ những hủ tục, mê tín dị đoan hoặc chứa đựng nội dung trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc đang ẩn chứa trong một số hoạt động tín ngưỡng khác. Do vậy các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hàm chứa những tập tục xã hội truyền thống và mang tính Chân - Thiện - Mỹ cần được gìn giữ và phát huy giá trị trong cộng đồng các dân tộc.

Lan Anh - DSVH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.420.067
    Online: 38