Điện Biên là quê hương của 19 dân tộc cùng sinh sống, giàu tính truyền thống, đậm đà bản sắc và mang tính độc đáo riêng của từng dân tộc trên địa bàn. Thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Điện Biên đã triển khai một số đề án, chương trình bảo tồn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện Luật Di sản văn hóa và triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết TW5 khóa VIII về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20/12/2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 01-KL/TU ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/12/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
UBND tỉnh Điện Biên cũng đã ban hành Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 12/6/2013 về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 1430/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 phê duyệt Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là bảo tồn văn hóa các dân tộc; đầu tư phát triển, nâng cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, phát huy vai trò các nhân tố xã hội tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án, ngày 31/7/2017 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2123/KH-UBND thực hiện Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017 - 2020. Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án, nhiều di sản văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy giá trị, cụ thể:
Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể
Công tác trùng tu, tôn tạo di tích đang được quan tâm để bảo vệ nguyên trạng, chống xâm hại, xuống cấp và triển khai với quy mô lớn, phạm vi rộng; tập trung vào việc khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phục hồi và đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg, ngày 26/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên), Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ đã triển khai tu bổ, tôn tạo các điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ như: Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Công viên chiến thắng tại Mường Phăng; Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (gồm: Hầm De Castries, các vị trí xe tăng, điểm pháo 105mm); tôn tạo đồi D1; tôn tạo di tích Đường kéo pháo bằng tay, trận địa pháo 105; trận địa pháo hỏa tiễn H6, Trung tâm đề kháng Him Lam.
Di tích Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng mái che hiện vật từ năm 2013
Công tác bảo trì, duy tu, sửa chữa thường xuyên được tỉnh chú trọng triển khai, nhằm chống xuống cấp đối với các di tích. Một số di tích được trùng tu tôn tạo chống xuống cấp và đầu tư cơ sở hạ tầng như: Tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ, động Pa Thơm, hang Mường Tỉnh,...
Trên địa bàn tỉnh có huyện Tuần giáo đã tổ chức xây dựng khu tưởng niệm anh hùng Vừ A Dính và các anh hùng liệt sĩ tại xã Pú Nhung, huyện Tủa Chùa đã triển khai dự án xây dựng đường vào và các công trình phụ trợ thuộc di tích danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè và Khó Chua La.
Hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy Đề án bảo tồn, tồn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; Phương án kiến trúc Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng, huyện Điện Biên; Đền thờ các anh hùng, liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Để phát huy giá trị của di tích, tỉnh đã chú trọng đến công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin khác nhau:
Hoạt động thông tin xúc tiến du lịch được tăng cường, mở rộng với những phương thức đa dạng và phong phú, công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử của các di tích được thực hiện thông qua nhiều hình thức, nghiên cứu xuất bản được một số sách phục vụ tuyên truyền, xuất bản tờ rơi giới thiệu các điểm di tích, du lịch, phát hành các tài liệu, cẩm nang thông tin du lịch như: Tập gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch; sản xuất phim về đề tài văn hóa, du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Thường xuyên đăng tải các tin bài giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích, các văn bản quy phạm pháp luật về Di sản Văn hóa, đặc biệt là Quy định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn tỉnh trên trang Wetsite của ngành.
Phối hợp với Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cùng các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại địa phương, các cơ quan có ấn phẩm báo chí, trang thông tin điện tử thực hiện tuyên truyền, tập trung giới thiệu, quảng bá về di tích.
Công tác thuyết minh tại các điểm di tích cũng như công tác phục vụ đón tiếp khách tham quan luôn được quan tâm; nội dung các bài thuyết minh được biên soạn, chỉnh lý thường xuyên để truyền tải thông tin chính xác. Thường xuyên tổ chức cuộc thi thuyết minh viên du lịch tỉnh Điện Biên, tổ chức lớp tập huấn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh.
Thuyết minh viên giới thiệu, hướng dẫn tham quan tại Di tích Đồi A1
Phối hợp với Cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ- Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu cho Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23 tháng 5 năm 2016 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, theo đó nhiều điểm di tích sẽ được đưa vào tuor, tuyến tham quan để trở thành điểm đến cho khách du lịch.
Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Tiến hành phục dựng, bảo tồn văn hóa các dân tộc:
Năm 2007: Bảo tồn Lễ "Dù Su" của dòng họ Mùa, dân tộc Mông tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.
Năm 2008: Bảo tồn lễ hội “Cầu Mưa” của dân tộc Khơ Mú, huyện Điện Biên; Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái trắng bản Tạo Sen, Bản Mo, Thị xã Mường Lay.
Năm 2009: Bảo tồn "Lễ mừng cơm mới" của dân tộc Xinh Mun tại bản Co Mỵ, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông; "Lễ Pang phoóng" của dân tộc Kháng tại bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo.
Năm 2010: Bảo tồn "Lễ ma khô" của dân tộc Mông, ngành Mông xanh tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa; "Lễ cúng bản" (Gạ Ma Thú) của dân tộc Hà Nhì tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.
Năm 2011: Bảo tồn “Lễ ăn mừng cơm mới” của dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; “Lễ cúng tổ tiên” của dân tộc Cống tại bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; lễ “Tủ Cải” của dân tộc Dao, ngành Dao quần chẹt ở bản Huổi Só, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa; “Lễ cưới truyền thống” dân tộc Xạ Phang tại bản Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa.
Năm 2012: Bảo tồn: Lễ Cúng cơm mới, Lễ cầu mưa, Lễ chém cổ dê (Xên Phắn Bẻ), Lễ lên nhà mới, Lễ cưới hỏi truyền thống và đặt tên cho trẻ của dân tộc Thái, ngành Thái đen, tại bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên; Lễ tết cổ truyền “Nào Pê Chầu” của dân tộc Mông tại bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên.
Năm 2013: Bảo tồn “Lễ cúng bản” của dân tộc Si La, tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; “Lễ tết truyền thống” dân tộc Hà Nhì, tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.
Năm 2014: Bảo tồn “ Lễ cầu mưa” dân tộc Khơ Mú, tại bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng.
Năm 2015: Phục dựng, bảo tồn lễ "Bun Huột Nặm" (Tết té nước) dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.
Năm 2016: Bảo tồn "Lễ cúng bản" (Tê hrôi cung) của dân tộc Khơ Mú tại bản Suối Lư, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông.
Năm 2017: Phục dựng, bảo tồn "Lễ cầu mùa" của dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.
Năm 2018: Bảo tồn "Lễ Nhảy lửa" của dân tộc Dao tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ.
Lễ “Tủ Cải” của người Dao quần chẹt
Tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay tỉnh có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa, đã có 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: di sản Nghệ thuật Xòe Thái trên địa bàn tỉnh; Tết Nào pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin pang then của người Thái Trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên và di sản Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà.
Tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó đã có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Nhất - năm 2015 và tiếp tục đề nghị xét tặng các cá nhân trong đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Hai - năm 2018 để kịp thời tôn vinh những cá nhân đã có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam từ năm 2011 với nội dung trình diễn trang phục dân tộc và triển lãm văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mông. Năm 2015 tham gia trình diễn, giới thiệu sản vật, ẩm thực và trưng bày tái hiện không gian truyền thống các dân tộc Thái và Khơ Mú. Năm 2016 tham gia trình diễn các tiết mục văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian truyền thống, giới thiệu sản vật, ẩm thực và trưng bày tái hiện không gian truyền thống dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên. Năm 2017 tham gia trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Lễ tết cổ truyền dân tộc Mông (Nào Pê Chầu) và các trò chơi, văn nghệ dân gian truyền thống của người Mông. Năm 2018 tham gia trình diễn giới thiệu, di sản văn hóa phi vật thể (Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Mông, ngành Mông hoa và các trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian truyền thống. Tham gia Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”.
Tạo hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc Mông (Ảnh: Thu Thủy)
Tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng hồ sơ di sản Then Thái, Nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO, đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó bảo lưu được vẻ đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc, đồng thời khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Lan Anh