Điện Biên là tỉnh miền núi cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ Quốc, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái; là quê hương của 19 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đã tạo dựng cho mình bản sắc văn hóa riêng, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh toàn cảnh về sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam
Xác định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa các dân tộc, ngày 19/4 hàng năm, trong 10 năm qua, tỉnh Điện Biên đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam bằng cách cụ thể hoá thành các Chương trình, Đề án, lồng ghép với nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn và nhiều hình thức khác, đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể:
- Tỉnh Điện Biên đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá các hoạt động văn hóa. Các Sở, ban ngành tích cực tham gia giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, các hoạt động hưởng ứng Quỹ "Vì người nghèo" luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự đồng thuận của các cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh. Nhờ đó, hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết, hàng ngàn hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và được khám chữa bệnh miễn phí nhằm phát huy tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật trong 10 năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Thông qua Tạp chí Văn nghệ Điện Biên đã thể hiện được nội dung của 07 chuyên mục như: Hương sắc bản mường, thơ song ngữ, văn thơ, âm nhạc, văn học cuộc sống, văn học nhà trường, mỹ thuật - nhiếp ảnh với 4.200 bài viết và 1.800 tranh, ảnh đã phản ánh đời sống văn hóa cũng như tập quán xã hội, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.
- UBND tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh thông qua Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triền văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, nhằm cụ thể hóa các nội dung của Đề án.
Để triển khai cụ thể các nội dung của Nghị Quyết, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1430/QĐ-UBND, ngày 11/11/2016, phê duyệt Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triền văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch số 2123/KH-UBND, ngày 31/7/2017 về việc thực hiện Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017 - 2020. Thông quan việc triển khai thực hiện Đề án, nhiều loại hình di sản văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy giá trị.
Ngoài ra, tỉnh còn triển khai một số Đề án, Dự án nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc như: Dự án JICA của Nhật Bản đầu tư tại Điện Biên nhằm phát triển nghề thủ công truyền thống của dân tộc Lào; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, trong đó có đầu tư, hỗ trợ phát triển về cơ sở hạ tầng, điều kiện phát triển sản xuất; giáo dục, đào tạo; y tế; chăm sóc sức khỏe nhân dân và đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Cống.
- Định kỳ 02 năm/lần, kể từ năm 2009, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh; Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra vào 19/4 là dịp để nhân dân các dân tộc được thể hiện, trình diễn, trưng bày, giới thiệu và làm sống lại những di sản văn hóa truyền thống đã được gìn giữ qua bao đời như: Nghệ thuật trình diễn dân gian; trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn lễ hội truyền thống; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của các dân tộc; tổ chức thi giã bánh dày, tổ chức các trò chơi dân gian...
- Đã có nhiều lễ hội, di sản văn hóa được phát huy giá trị hiệu quả, như lễ hội Đến Hoàng Công Chất, lễ hội đua thuyền Đuôi én, Lễ hội Hoa Ban hằng năm được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, qua đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp và thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia, đặc biệt là lễ hội Hoa Ban đã trở thành hoạt động thường niên, đặc trưng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh và bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh.
- Tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay tỉnh có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa, đạt 94,7% . Tỉnh Điện Biên đã bảo tồn được 01 bản văn hóa truyền thống của người Thái và có 22 di sản thuộc 11/19 dân tộc được phục dựng, bảo tồn. Đến nay có 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, đã có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Nhất - năm 2015 và tiếp tục đề nghị xét tặng 26 cá nhân trong đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Hai - năm 2018 để kịp thời tôn vinh những cá nhân có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
- Tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng hồ sơ di sản Then Thái, Nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO, đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho dân tộc Cống, Si La trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức một số lớp truyền dạy múa dân gian dân tộc Thái, Lào. Qua đó phát huy được vai trò của nghệ nhân - chủ thể văn hóa trong công tác truyền dạy di sản, đồng thời giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ di sản.
- Tổ chức các đoàn Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tham gia Hội nghị - Hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn khu vực phía Bắc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
- Tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam từ năm 2011 đến nay đã giới thiệu, quảng bá được nhiều di sản văn hóa tiêu biểu của một số dân tộc.
- Tham gia tích cực Liên hoan hát Then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc; Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc; Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Với những hoạt động về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá; Tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc hiểu về nhau, gần gũi, quý trọng và hoà hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; Góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Lan Anh - Phòng DSVH