Sự tồn tại và phát triển của Nghệ thuật Xòe Thái đến nay là nhờ những chính sách quan tâm của Đảng, nhà nước đối với văn hóa các dân tộc, một phần phải kể đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản vô giá cần được gìn giữ và bảo vệ.

 

Nghệ thuật Xòe Thái còn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, sân chơi cho người dân  giải trí sau những ngày lao động vất vả và là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau hơn. Nghệ thuật Xòe là nét đẹp văn hóa được Nhân dân các dân tộc gửi gắm những tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Không những thế, Nghệ thuật Xòe Thái cũng là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái  có thể tìm hiểu và  gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tình hạnh phúc. Nghệ thuật Xòe Thái đã mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.

Di sản Nghệ thuật Xòe là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Thái, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, góp phần tăng cường giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, các quốc gia đồng thời nâng cao cả về thể lực, trí lực, trình độ thẩm mỹ cho công chúng yêu và có sở thích tham gia nghiên cứu, thực hành nghệ thuật xòe Thái. Vì vậy, cần hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể trong Nghệ thuật Xòe Thái. Ngày nay Nghệ thuật Xòe còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Nghệ thuật Xòe Thái có nhiều điệu Xòe, tiêu biểu phải kể đến  Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt,  Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai. Trong đó Xòe vòng là điệu Xòe mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái.

Đồng bào dân tộc Thái cho rằng trong Nghệ thuật Xòe Thái, Xòe vòng là hình thức múa dân gian mang nét đẹp văn hóa đặc trưng và là di sản có sức sống bền vững trong cộng đồng; đây cũng là điệu múa cổ xưa và rất khó để xác định chính xác về nguồn gốc ra đời, thời điểm xuất hiện Xòe vòng. Bàn về vấn đề này có nhiều giả thiết được đưa ra: có ý kiến cho rằng Xòe vòng xuất phát từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu của con người muốn được thư giãn, giải trí sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc. “Cũng có thể coi Xòe vòng là hình thức múa sơ khai nhất trong dân vũ Thái. Nó sơ khai nhất có lẽ đó là hình thức múa tập thể không phải luyện tập mà ai cũng có thể tham gia được. Trong đám múa có mặt cụ già đồng thời cũng có thanh niên, có nam, có nữ...Nó sơ khai có lẽ vì động tác rất đơn giản. Với yêu cầu người chỉ có một bước chân vững cũng có thể tham gia được” (trích “Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam” của Cầm Trọng).  Có người lại cho rằng Xòe vòng bắt nguồn từ trong lễ Kin pang then (Lễ tạ ơn), mọi người cầm tay nhau nhảy múa xung quanh mâm cúng, sau đó phát triển thành điệu xòe quanh cây nêu, quanh đống lửa như ngày nay. Theo một số nhà nghiên cứu múa dân gian của tỉnh Điện Biên lại thấy  Xòe vòng được hình thành sau khi hệ thống múa cơ bản đã ra đời và những động tác đã được định hình, trên cơ sở đó động tác của điệu xòe được đơn giản hóa, được cô đọng và hội tụ trên tất cả các động tác cơ bản của múa dân gian truyền thống. Cũng có thể các nghệ nhân xưa đã cải biên và bớt bỏ để đơn giản hóa những động tác múa tạo nên một động tác xòe thật đơn giản để phù hợp với tính chất sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nhiều người cùng được tham gia. Vì vậy xác định nguồn gốc của Xòe vòng người ta mãi đặt ra một câu hỏi “Điệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ” như trong bài hát “Điệu xòe thương nhau” của nhạc sĩ Vương Khon.

Còn đối với Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai là những điệu múa bắt nguồn từ lối tư duy sáng tạo của con người đã sử dụng ngôn ngữ múa là hình thể để miêu tả những động tác, những hoạt động trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Thông qua các điệu múa được sử dụng đạo cụ là những vật dụng trong sinh hoạt  như khăn, nón, quạt, chai để tái hiện lại các hoạt động trong  đời sống xã hội của dân bản.Trong đó một số điệu xòe được xác định nguồn gốc ra đời trong hoàn cảnh cụ thể như:

Xòe khăn (múa khăn) là điệu múa được tiếp thu từ múa lễ thức “Kin pang then”. Những cô gái được bà then dạy múa để mua vui cho những vị khách trên trời được mời về dự lễ và múa khi tan cuộc vui trong ngày lễ.

Xòe nón (múa nón) đối với tỉnh Điện Biên có múa nón Mường Lay đã trở thành điệu múa tiêu biểu trong Nghệ thuật Xòe Thái và được ghi chép lại bởi các nhà nghiên cứu. Múa nón Mường Lay là điệu múa nữ khá linh hoạt và duyên dáng. Múa nón Mường Lay (Điện Biên) đã tiếp thu múa nón vùng Phong Thổ (Lai Châu) nhưng phát  triển theo một hướng riêng, với Xòe nón Phong Thổ bước kép là phổ biến và tiết tấu nhạc múa nón nhanh, dồn dập còn Xòe nón Mường Lay sử dụng nhún nẩy với bước chéo ngang kết hợp với sáng tạo những động tác mới tạo nên phong cách múa nón Mường Lay. Cách bước chân trong múa nón Mường Lay được sử dụng cả trong múa khăn, múa nhạc, múa quạt.

Xòe sạp (múa sạp) được phát triển trên điệu “xé cắp” (múa cạm bẫy). Đó là điệu múa hai  người hỗ trợ cho một người biểu diễn. Hai người cầm hai đòn tre đặt trên hai đoạn gỗ kê , ngồi xổm gõ cứ hai tiếng ở nhịp nhẹ xuống hai đoạn gỗ kê,  lại một lần khép sập vào nhịp mạnh. Người biểu diễn phải nhảy làm sao đôi chân bước qua đôi sập trong lúc hai người hỗ trợ đang gõ nhịp nhẹ, đến khi đòn tre khép vào để gõ nhịp mạnh thì hai chân của người biểu diễn phải thoát ra khỏi đòn sập. Cũng có người cho rằng Xòe sạp bắt nguồn từ trò chơi nhảy chày trong ngày tết. Hai cái chày được kê trên hai khúc gỗ, do hai người ngồi ở hai đầu điều khiển, một người nhảy trên chày, ai nhảy giỏi không bị kẹp chân thì được thưởng rượu còn người nhảy vụng thì bị chày kẹp đau chân và bị người khác cười chê. Sau từ hai chiếc chày nặng được thay thế bằng hai cây vầu hoặc hai cây tre. Nhìn chung có hai quan điểm có sự khác nhau về nguồn gốc của Xòe sạp nhưng cơ bản các động tác và cách biểu diễn là giống nhau.

Nghệ thuật Xòe thường diễn ra trong tết nguyên đán, mừng nhà mới, có trong sinh hoạt văn hóa tại các trường học, hội Hạn Khuống, lễ mừng cơm mới, trong đám cưới, lễ xên bản,  khi có khách quý, lễ hội Hoa Ban, những ngày lễ lớn của tỉnh, ngày quốc khánh, tuần văn hóa du lịch và các Hội thi, Hội diễn…

Đến nay, Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại văn bản số 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31/10/2013. Không những vậy, Nghệ thuật Xòe Thái Việt Nam đang được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên và một số tỉnh khác lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, nét đẹp văn hóa của dân tộc, các giá trị của di sản được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến Nhân dân trong nước và quốc tế./.

Lan Anh - Phòng Di sản Văn hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.326.387
    Online: 123