Điện Biên, tên gọi xưa nhất là Mường Then hay Mướng Theng (có nghĩa Mường Trời). Ngay từ thời tiền sử mảnh đất Điện Biên đã có con người sinh sống và cư trú. Qua bằng chứng về những hiện vật đồ đá, đồ đồng và đồ xương của con người thời tiền sử tại di chỉ khảo cổ học Thẳm Khương huyện Tuần Giáo phát hiện năm 1972, đã chứng minh con người xuất hiện ở nơi đây từ rất sớm. Trên cơ sở đó, Điện Biên cũng sớm trở thành vùng đất lịch sử - văn hoá trên miền Tây Bắc.

          Được thiên nhiên ưu đãi Điện Biên với nhiều thế mạnh và những thuận lợi "trời cho", đó là cánh đồng lúa lớn nhất vùng Tây Bắc. Nơi đây vừa có núi non hùng vĩ vừa có cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, một vị trí khá đặc biệt, lý tưởng của một vùng núi. Ngoài ra còn có các con sông, con suối lớn nhỏ như sông Mã, Nậm Núa và Nậm Rốm đổ vào cánh đồng Mường Thanh, những lớp đất phù sa màu mỡ, tạo nên sự trù phú cho lòng chảo Điện Biên. Với diện tích lên đến hàng ngàn ha ruộng, canh tác hai vụ, cánh đồng Mường Thanh thực sự trở thành vựa lúa lớn nhất Tây Bắc. "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc" khẳng định một lần nữa vị trí, quy mô và tiềm năng phát triển nông nghiệp của cánh đồng Mường Thanh trong khu vực Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng.

          Ngay từ thế kỷ XII - XIII, Lạng Chượng - thủ lĩnh của dân tộc Thái đã đưa một bộ phận người Thái Đen từ Mường Lò (Nghĩa Lộ ngày nay) đến Mường Thanh, vùng đất này còn gọi là Song Thanh vì có hai mường: Thanh Nưa (Thanh trên) từ bản Noong Hẹt ngược về đầu nguồn sông Nậm Rốm và Thanh Tẩu (Thanh dưới) từ bản Noong Hẹt đến cuối sông Nậm Rốm. Tại đây có thành Tam Vạn cổ kính; các mường thuộc Mường Thanh xưa gồm: Mường Phăng, Mường Nhà, Mường Lói nay thuộc huyện Điện Biên; Mường Luân nay thuộc Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên; Mường Lèo, Mường U thuộc tỉnh Phong Xa Lỳ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Mường Và, Sốp Cộp nay thuộc tỉnh Sơn La.

          Là địa danh đã đi vào lịch sử không chỉ của Việt Nam mà cả trong lịch sử thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Điện Biên còn nắm giữ một kho tàng di sản văn hóa các dân tộc độc đáo, đa dạng và phong phú, giàu bản sắc cùng rất nhiều lễ hội như: Lễ Cúng Bản, Nào Pê Chầu, Bun Huột Nặm, Cầu mưa, Pang Phoóng…của các dân tộc sống trên địa bàn, trong đó Lễ hội Xên Mường Thanh là lễ hội lớn nhất có sự tham gia của cộng đồng các dân tộc sống trong một Mường.

          Di tích “Xên Mường Thanh” (Lễ cúng Mường), là tổng thể các địa điểm diễn ra các nghi thức trong Lễ Xên Mường. Đây là những vị trí được cộng đồng các dân tộc Mường Thanh xưa chọn làm nơi tổ chức lễ cúng Mường (bắt đầu từ thế kỷ thứ XIII kéo dài đến thế kỷ XX), là công trình văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân địa phương từ xưa, là một trong những địa điểm tổ chức lễ hội điển hình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết biết ơn của thế hệ hôm nay với các bậc tiền bối đã có công khai sơn phá thạch, lập bản, dựng mường, các tướng lĩnh đã có công chống “ngoại xâm, nội phản” giữ yên bản mường, những vị tiền nhân, nhân vật lịch sử được khắc ghi công ơn trong lễ hội Xên Mường như: Lạng Chượng cùng con trai của ông là thủ lĩnh Khun Pe (thế kỷ XIII), đó là những người đầu tiên có công khai mở vùng đất Mường Thanh; Hoàng Công Chất và tướng Ngải, tướng Khanh (thế kỷ XVIII) là những vị anh hùng đã cùng đồng bào các dân tộc ở Mường Thanh, đánh đuổi giặc Phẻ, giặc Cỏ giải phóng Mường Thanh… Không chỉ có vậy, đây còn là nơi trao truyền những tri thức dân gian bản địa, giao lưu văn hóa văn nghệ đối với các dân tộc trên đất Mường Thanh. Qua lễ hội Xên Mường Thanh nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh bảo tồn văn hóa dân gian. 

          Xên Mường Thanh là lễ hội truyền thống lớn nhất của các dân tộc trong vùng nhằm cầu xin và cảm tạ các vị thần linh đã có công khai sơn, phá thạch, xây dựng bản làng; cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bà con dân bản ai cũng đều khoẻ mạnh, cuộc sống được ấm no, hạnh phúc. Lễ thường diễn ra trong 5 ngày vào tháng 8, tháng 9 theo lịch Thái (tương ứng với tháng 2, 3 âm lịch). Người dân quan niệm rằng đây là những tháng đẹp nhất trong năm, họ chọn những ngày tốt để người dân đón lấy, hứng lấy mọi sự tốt lành mà các vị thần linh ban tặng, đồng thời các vị thần linh trên trời, dưới đất cùng các vị anh hùng đã có công dựng bản, lập Mường, đánh đuổi giặc ngoại xâm được đón nhận sính lễ của con cháu trên trần gian dâng lên nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

          Lễ Xên Mường Thanh, trước đây được tổ chức với quy mô gồm: 04 chiềng, 7 đông xên, bao gồm:

          - Chiềng Chăn: Là khu vực trung tâm có 04 Đông xên

          + Đông xên Luông Vắng óng thế kỷ XV; nay thuộc bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

          + Đông xên Hua Pe (trên bản Pe): Thờ thủ lĩnh Khun Pe con trai Lạng Chượng; nay thuộc bản Pa Pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, nay thuộc tổ 4, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ.

          + Đông xên Lạng Chượng (Đồi A1): Thờ Lạng Chượng, người đầu tiên lập nên Mường Thanh; nay thuộc phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ;Ven (Ta Pố): Thờ chung các thần linh trời đất, các tướng lĩnh toàn Mường; nay thuộc bản Na Púng, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ (là Đông xên chính).

          + Đông xên Pú Vắng (dưới Ta Pố): Thờ đồng bào đã bị giặc giết tập thể,  lưu giữ chiến công bắt sống tướng giặc là chẩu Phạ Tin To

          - Chiềng Lé: Thờ Hoàng Công Chất, tướng Ngải tướng Khanh và các tướng, sĩ của Hoàng Công Chất; nay thuộc xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên;

          - Chiềng On (khu vực Noong Luống và Noong Hẹt):thờ các thần, các tướng lĩnh, các thủ lĩnh vùng Noong Luống và Noong Hẹt; nay thuộc xã Noong Luống, huyện Điện Biên;

          - Chiềng Xôm (Đông xên Xam Mứn, có thành Sam Mứn (Tam Vạn): Thờ Thủ lĩnh: Khun Mứn, cháu của Lạng Chượng; nay thuộc xã Pom Lót, huyện Điện Biên.

          Các chiềng, đông xên được tổ tiên người Thái xưa lựa chọn là các khu rừng, đầu các nguồn nước đổ vào lòng chảo phục vụ sinh hoạt, đánh bắt cá, tưới tiêu cho cây trồng giống như hình một rồng vừa mang tính thực tiễn vừa chứa đựng trong đó yếu tố phong thủy.

          Phần lễ trong  lễ hội Xên Mường Thanh gồm có:

          - Lễ cúng ma (tổ tiên) nhà gia đình chủ áo.

          - Lễ lẩu khắt lẩu khánh (với ý nghĩa đúc khuôn cho tạo chủ mới của Mường, lấy khí thế tinh thần trước khi vào đông xên làm lễ).

          - Lễ Xên Mường Thanh (lễ chính tại Đông Xên Luông Vắng Ven).

          - Lễ Tế nhá (tan ngày lễ hội).

          - Lễ nộp áo (cọp xửa) và tụ hồn cho dân Mường.

          Đan xen giữa nghi lễ là các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian (hát dân ca, múa xòe, múa tăng bẳng, tăng bu) và các trò chơi dân gian (thi leo cây, đẩy gậy, đi cà kheo, ném còn, tó máklẹ, kéo co, tó xáng - đánh quay, tó cáy - chọi gà, thi bắn nỏ, trình diễn võ cổ truyền), các hoạt động văn hóa đã giúp cho người dân giải tỏa những nỗi lo toan mệt mỏi sau một năm lao động vất vả. Trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian diễn ra thể hiện nhu cầu khát vọng để cầu mùa, cầu mưa thuận, gió hoà; cầu an, cầu cho người dân bản mường có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đó là những nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của Nhân dân và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy./.

          Nguyễn Thị Vân

          Bảo tàng tỉnh Điện Biên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.324.505
    Online: 27