Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Điện biên Đông (Điện Biên), đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS). Những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, của nhân dân các dân tộc Điện Biên Đông, đã góp phần cổ vũ đồng bào các dân tộc hăng hái sản xuất, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, cũng chính từ nền văn hóa đó đã nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, luôn nhớ về cội nguồn.

Điện Biên Đông là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Điện Biên, có 13 xã và 1 thị trấn, với dân số trên 62.000 người, là mái nhà chung của các dân tộc Mông, Thái, Khơ mú, Xinh Mun, Lào, Kinh và các dân tộc ít người khác. Cộng đồng các DTTS Điện Biên Đông, chứa đựng những sắc thái khác nhau của nền văn hóa đa dân tộc, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú và sinh động.

 Với quan điểm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Điện Biên đông đã được các cấp ủy, chính quyền Điện Biên Đông coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được gắn với giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và giải quyết các vấn đề xã hội.

 Trong thời gian qua, thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TU của tỉnh ủy Điện Biên về "xây dựng và phát triển văn hóa con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước", chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn, đã được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông xây dựng tại Nghị quyết số 05/-NQHU về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật trình diễn dân gian  hát Thái, múa xòe của dân tộc Thái, múa khèn dân tộc Mông, múa lăm vông, lăm tơi dân tộc Lào; múa Tăn đao của dân tộc Khơ Mú... Các trò chơi dân gian như: tung còn, tó má lẹ của dân tộc Thái, ném pao, tù lu dân tộc Mông, kéo co, đẩy gậy... bảo tồn và lưu giữ trang phục, các món ăn truyền thống của các DTTS. Theo đó, đảng bộ cũng sát sao lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền ở cơ sở tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong các dịp lễ tết, nhằm tích cực khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Hiện nay, huyện Điện Biên Đông còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân gian, tồn tại dưới nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, mang đậm nét văn hóa về tiềm thức và tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số như: Tục thờ cúng thần ruộng, thần nương, thần núi, thần sông, lễ cúng bản, cúng mường, ăn mừng lúa mới... thể hiện ngay trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc. Bên cạnh đó là các nghề thủ công truyền thống độc đáo của một số dân tộc vẫn còn được duy trì như: Nghề rèn của người Mông, nghề dệt của người Thái, Là , nghề đan lát tre mây của người Khơ Mú ...

Các giá trị văn hóa truyền thống phản ánh đời sống tinh thần phong phú như: sách Thái cổ kể bản Mường “sống trụ xon xao”, truyện cổ tích, truyền thuyết các tộc người, thuần phong mỹ tục, các điệu dân vũ như múa ô, múa xòe, múa lăm vông, múa tăng bẳng, tăng bu...; những làn điệu dân ca trữ tình mượt mà đằm thắm của các dân tộc như: dân ca Mông, dân ca Thái, dân ca Lào...; những trò chơi dân gian: Tung còn, tó má lẹ, ném Pao, tù lu, kéo co, đẩy gậy... ;các món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc như: cá nướng, cơm lam, bánh dày... đã và đang được các cấp ủy, chính quyền quan tâm bảo tồn và phát huy.

Những năm qua, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyến và nhân dân các dân tộc Điện Biên Đông, còn có sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, Trung ương và địa phương nên nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng quan tâm để trùng tu, tôn tạo như: di tích Tháp Mường Luân, Tháp Chiềng Sơ, di tích lịch sử Quốc gia hang Mường Tỉnh; một số phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Sinh Mun, Lào... tiếp tục được giữ gìn và phát huy, từng bước loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm như lễ hội Kin pang của dân tộc Thái, Lễ hội Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, Lễ hội Teng Nông của dân tộc Khơ mú...

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa cũng được huyện Điện Biên Đông tăng cường, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao, các thiết chế văn hóa từng bước được củng cố, đầu tư. Thông qua Đề án số 01-ĐA/BCĐ của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, cùng với đó là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn. Đến nay toàn huyện có 28/243 bản có nhà văn hóa, hơn 90 đội văn nghệ phục vụ thiết thực nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Vàng A Hờ, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch phụ trách khối văn hóa - xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: "Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chư­a đạt được kết quả nh­ư mong muốn, vẫn còn tồn tại tệ nạn mê tín dị đoan ở vùng đồng bào DTTS và một số nếp sống sinh hoạt văn hóa không còn phù hợp với đời sống văn minh hiện tại; trang phục, tiếng nói chữ viết của đồng bào các DTTS đang có nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân thì nhiều, song theo tôi nguyên nhân chính là do một số cấp ủy, chính quyền và người dân nhận thức về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa còn hạn chế, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc còn khó khăn, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa của huyện. Nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư­ cho văn hóa còn thiếu hụt, nhất là lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa là người DTTS ở địa phương". 

Trong thời gian tới, Điện Biên Đông sẽ tiếp tục chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS, trọng tâm là rà soát, tổ chức nghiên cứu, s­ưu tầm và phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện; xây dựng các đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm và khuyến khích việc hướng dẫn con em người dân tộc biết sử dụng các nhạc cụ cổ truyền, tiếng nói, chữ viết DTTS; phát động việc sáng tác các bài hát, điệu múa cho đồng bào để sử dụng trong các dịp lễ, tết, ngày hội mừng được mùa, nhằm từng bước thay thế những phong tục tập quán lạc hậu./.

      Khánh Toàn

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.155.559
    Online: 25