Trong những năm gần đây, Điện Biên Phủ là một trong những điểm đến yêu thích của đông đảo Nhân dân trong nước và khách quốc tế với những Di tích nổi bật gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại của quân dân ta năm 1954. Từ năm 2009, Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ trở thành một trong 10 di tích cấp quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước, có giá trị to lớn về mặt lịch sử và di sản.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vào những năm kỷ niệm chẵn chiến thắng Điện Biên Phủ, các di tích chiến trường năm xưa từng bước được đầu tư, tôn tạo và xây dựng nhiều công trình nhằm phát huy giá trị di tích một cách tối đa, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu của người dân và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khơi dậy niềm yêu thích và hướng về cội nguồn lịch sử của thế hệ trẻ.

Từ cửa ngõ vào thành phố, đi thêm hơn 20km là Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội Việt Nam nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau 3 lần chuyển địa điểm, Mường Phăng được chọn là nơi đóng quân cuối cùng của Bộ chỉ huy chiến dịch từ 31/1 đến 15/5/1954 với hơn 20 lán làm việc và hầm trú ẩn của các bộ phận tham mưu trải dài dọc theo con suối từ ngoài vào trong khoảng 1km. 105 ngày ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy của mình đã ngày đêm họp bàn, nghiên cứu, đưa ra những quyết sách mang tính chiến lược để giành những chiến thắng quan trọng, tiêu diệt dần dần Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Từ sau ngày giải phóng, rừng Mường Phăng trở thành biểu tượng của chiến thắng, của sức mạnh quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ sau ngày Đại tướng về với đất mẹ, người dân bản địa vẫn hằng ngày quét dọn sạch sẽ và đặt bó hoa rừng như một cách tri ân, tưởng nhớ Đại tướng. Rừng Mường Phăng tự bao giờ đã được gọi bằng cái tên thân thuộc, trìu mến: Rừng Đại tướng.

Tại vị trí cao nhất ngay giữa lòng thành phố trên Đồi D1, Tượng đài Chiến thắng đúc bằng đồng với hình ảnh lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” đang tung bay được xây dựng từ năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, là biểu tượng của thành phố, niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao của tỉnh.

Đồi A1, nơi diễn ra trận chiến ác liệt nhất của cuộc chiến giờ đây là điểm tham quan thu hút nhiều khách tham quan nhất với các hầm, hào, lô cốt, xe tăng gần như được giữ nguyên vẹn và tận hưởng những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi với những khoảng không gian bạt ngàn hoa và âm hưởng chiến tranh. Nếu có nhu cầu, khách tham quan sẽ còn được trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, nghe Cựu chiến binh kể chuyện Điện Biên, nấu ăn bếp Hoàng Cầm và thưởng thức bữa ăn chiến sĩ với cơm nếp, khoai, sắn, rau rừng.

Hầm Đờ Cát, nơi ghi dấu Bộ chỉ huy cấp cao nhất của Pháp tại Điện Biên Phủ bị bắt trong ngày cuối cùng của cuộc chiến, vẫn nguyên vẹn một hình dáng, từng căn phòng làm việc, chỉ khác được đầu tư xây dựng mái che ngoài trời nhằm bảo vệ tối ưu trước sự tàn phá của thời gian và thời tiết khắc nghiệt ở Điện Biên. Đây cũng là nơi để lại nhiều cảm xúc, ưu tư sâu lắng nhất với khách quốc tế, đặc biệt là người Pháp, những cựu chiến binh hay thế hệ con cháu, gia đình họ.

Ngoài ra còn phải kể đến một số Di tích khác như: Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam, nơi diễn ra trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Di tích đường kéo pháo bằng tay tại Nà Nhạn - nơi anh Tô Vĩnh Diện hi sinh thân mình cứu pháo; Di tích Bãi duyệt binh mừng chiến thắng tại Mường Phăng; Di tích Đồi C1, C2, Đồi Độc Lập, …. xung quanh khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ cũng là những điểm tham quan, tìm hiểu không thể thiếu trong hành trình về thăm chiến trường Điện Biên Phủ.

Năm 2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tự hào khánh thành nhà Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được xây dựng từ trước đó gần 1 năm, là công trình quy mô hiện đại nhất tỉnh cả về kiến trúc, lịch sử, văn hóa. Nhà Bảo tàng được mô phỏng theo hình chiếc mũ nan lưới của bộ đội ta năm xưa, gồm hai tầng một tầng nổi và một tầng hầm, bao gồm Nhà trưng bày các hiện vật, bộ sưu tập hiện vật, kỷ vật, ảnh, mô hình, biểu tượng, … về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và hiện đang tiếp tục hoàn thiện không gian panorama là bức tranh tròn lớn tái hiện lại toàn bộ cuộc chiến từ thời điểm ta quyết định tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến ngày cuối cùng 07/5/1954. Đến nay, tại Nhà trưng bày đã có hơn 1000 hiện vật được trưng bày, trong đó có nhiều tài liệu, hiện vật được các tổ chức, cá nhân, cựu chiến binh, thân nhân, gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, … đóng góp, ủng hộ về cho Bảo tàng. Mỗi năm lại trưng bày bổ xung hàng chục tài liệu, hiện vật quý, có giá trị giúp người xem có cái nhìn đầy đủ, chân thực nhất về chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ khi Nhà Bảo tàng mới được khánh thành đến nay đã góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, lượng khách đến với Bảo tàng ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước; là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Điện Biên, xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích, Bảo tàng cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, những người trực tiếp làm công tác bảo vệ, tuyên truyền, thuyết minh về chiến thắng Điện Biên Phủ và các điểm di tích. Các Di tích được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ cuối mỗi giờ chiều hoặc đầu giờ sáng trước khi mở cửa. Vấn đề an ninh trật tự được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng mất an toàn, trộm cắp hoặc gây rối trong khu vực di tích. Lực lượng thuyết minh được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng thuyết trình và xử lý tình huống, chất lượng ngày càng được nâng cao rõ rệt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách. Hằng năm, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề tại tầng hầm và triển lãm lưu động tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên nhận được sự quan tâm, đón nhận, đánh giá cao của Nhân dân cả nước. Bên cạnh đó trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tham mưu cho cơ quan cấp trên thực hiện miễn phí tham quan vào những dịp lễ, tết, kỳ nghỉ dài ngày, góp phần tạo khí thế sôi nổi và nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Với sự nỗ lực của toàn đơn vị, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch mà ngành giao cho liên quan đến nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát huy giá trị Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ và nhiệm vụ khai thác, quản lý các dự án đã được đầu tư tôn tạo, góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Điều đó đưa đến nguồn thu từ phí tham quan tại Bảo tàng, di tích và những sản phẩm, dịch vụ khác không ngừng tăng lên, tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XIII đã xác định rõ: "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa - lịch sử”. Như vậy, có thể nói về mặt định hướng lâu dài, việc khai thác các giá trị của khu di tích cho mục đích du lịch đã được chủ trương hóa, và đang từng bước thực hiện có hiệu quả để biến khu Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch hơn nữa./.

- Hồng Nhung -


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.153.695
    Online: 155