Trong những năm qua công tác tuyên truyền cổ động nói chung và đặc biệt là công tác tuyên truyền cổ động trực quan nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục và sát sao.

Tuyên truyền, cổ động trực quan đóng một vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của đời sống xã hội, với chức năng tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng và các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương đến người dân một cách kịp thời, sinh động, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu, đã góp phần tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trên cơ sở đó tăng cường củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Xuất phát từ vai trò quan trọng đó, công tác tuyên truyền cổ động trực quan luôn được Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là hình thức tạo hiệu quả nhanh trong công tác tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và của địa phương.

Tranh cổ động tuyên truyền Lễ hội Hoa Ban

Tỉnh Điện Biên hiện có 11 đội tuyên truyền lưu động (10 đội tuyên truyền lưu động huyện và 01 đội tuyên truyền lưu động tỉnh). Với hơn 70 tuyên truyền viên và 130 cán bộ văn hóa xã, phường. Đây chính là lực lượng tuyên truyền chính và đóng vai trò chủ đạo trong công tác tuyên truyền của tỉnh. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền được đào tạo trình độ từ trung cấp trở lên với nhiều chuyên môn khác nhau như; ca, múa, nhạc, mỹ thuật…lực lượng thực hiện công tác  tuyên truyền của tỉnh có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, kiên định và tuyệt đối trung thành với Đảng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, tinh thông nghiệp vụ.

Chiếu bóng lưu động phục vụ Nhân dân vùng cao

Cho tới thời điểm hiện nay 9/11 đội tuyên truyền đã được trang bị xe tuyên truyền chuyên dụng, đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Trung bình hằng năm các Đội tuyên truyền lưu động duy trì xây dựng 20 chương trình tuyên truyền, tổ chức 895 buổi tuyên truyền lưu động; Trung tâm Văn hóa tỉnh và Phòng văn hóa, Thông tin các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hơn 4560m2 panô, toàn tỉnh đầu tư hơn 4000 biển tuyên truyền tấm nhỏ, căng treo 4450 lượt băng zôn, hơn 8243 cờ phướn, cờ khẩu hiệu, 1.612 áp phích tuyên truyền; duy trì sáng tác 6 tranh mẫu, tổ chức 20 cuộc triển lãm; phát hành 12 số/2.450 cuốn Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên; duy trì 04 màn hình Led tại các điểm công cộng, triển khai công tác tuyên truyền thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Sở và các Trang thông tin điện tử của đơn vị thuộc sở.

Hằng năm các đội tuyên truyền lưu động đã tổ chức tập luyện chương trình và đi tuyên truyền phục vụ tại các xã trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền được bố trí hợp lý trên các tuyến đường chính, các tuyến phố từ trung tâm thành phố tới các huyện, thị được coi là phương tiện hiệu quả của công tác tuyên truyền cổ động. Ngoài ra còn có đội chiếu bóng vùng cao, đội chiếu phim lưu động phục vụ tại các huyện, chương trình phục vụ cơ sở của Đoàn nghệ thuật tỉnh, các đội văn nghệ quần chúng từ huyện, xã và thôn bản, lực lượng tuyên truyền viên tại cở sở (xã, thôn, bản). Đây là lực lượng có nhiều đóng góp trong công tác phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và công tác tuyên tryền tại cơ sở.

Với kết quả nêu trên, công tác tuyên truyền cổ động trực quan đã góp phần quan trọng giúp cho người dân nắm được và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của địa phương nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, góp phần hoàn thiện nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Lực lượng làm công tác tuyên truyên được coi là những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, là “nhịp cầu nối giữa ý Đảng - lòng dân”.

Về cơ chế chính sách đối cới lực lượng làm công tác tuyên truyền và hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan: Căn cứ Thông tư liên tịch số 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 11/3/2016 của Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2018/QQĐ-UBND ngày 13/4/2018 quy đinh về định mức hoạt động; nội dung chi và mức chi đặc thù của đội Tuyên truyền lưu động, thành viên Đội nghệ thuật quần chúng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đội chiếu bóng vùng cao được hưởng phụ cấp 0,6 so với mức lương cơ sở theo quy định tại Thông tư số 33/2006/TT-BVHTT ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc năm 2014 được tổ chức tại Điện Biên

Bên cạnh những thuận lợi và những kết quả đạt được, công tác truyên truyền cổ động trực quan gặp không ít khó khăn. Với đặc thù là một tỉnh miền núi, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 80% dân số toàn tỉnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa; trình độ dân trí không đồng đều, có nơi còn nhiều người trong độ tuổi trung niên và người cao tuổi chưa biết hoặc chưa thành thạo tiếng phổ thông nên việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân gặp nhiều hạn chế. Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Trình độ cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền ở cơ sở còn hạn chế, chưa được đào tạo một cách bài bản chính quy, có nhiều nơi cán bộ bố trí công tác không phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo, thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc cho nên tính chuyên trách, chuyên môn chưa cao đặc biệt là cán bộ có chuyên môn về mỹ thuật, đồ họa. Trong thời đại công nghệ thông tin, có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng dễ tiếp cận thông qua các thiết bị điện tử như  Cổng/Trang thông tin điện tử, báo mạng, truyền hình..., để đáp ứng với yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới thì công tác tuyên truyền cổ động trực quan phải có sự thích ứng, thay đổi và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Những yếu tố nêu trên đã gây không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, đồng thời để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý cũng như các quy định về tổ chức hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan cần triển khai một số giải pháp sau:

1. Đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp, tăng cường ứng dụng các hình thức đa phương tiện nhằm tăng hiệu quả hoạt động tuyên truyền.

2. Nội dung tuyên truyền phải sát với thực tiễn cuộc sống và quan trọng là đảm bảo tính kịp thời, đặc biệt là đối với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cần có những cách thức tuyên truyền phù hợp với trình độ, phong tục tập quán, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc.

3. Nâng cao chất lượng hiệu quả thông tin, tuyên truyền, phát huy hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với đặc trưng của tùng vùng, từng dân tộc, đảm bảo tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của địa phương; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.

 4. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan trong chiếm lược phát triền kinh tế - xã hội; tiếp tục quán triệt các nội dung cơ bản về công tác tuyên truyền cổ động trực quan trong tình hình mới, thực sự coi trọng công tác tuyên truyền cổ động trực quan trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

5. Có chính sách khuyến khích đội ngũ làm công tác tuyên truyền, cộng tác viên tuyên truyền ở cơ sở, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số; tập trung mọi nguồn lực đầu tư, đảm bảo ngân sách nhà nước cho công tác tuyên truyền trong chương trình mục tiêu về văn hóa, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác tuyên truyền; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, đặc biệt là cán bộ tuyên truyền cấp cơ sở; tiếp tục trang bị và đầu tư các phương tiện tuyên truyền cần thiết cho việc triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan ở cơ sở; tập trung ưu tiên tuyên truyền cho các xã nghèo, các xã ở vùng sâu, vùng xa… để nắm bắt chủ trương thực hiện kịp thời và đúng những quy định.

6. Củng cố, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, thường xuyên liên kết với người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ qua đó có những phương pháp, chương trình, đợt tuyên truyền bổ ích đến đồng bào và đã đạt được nhiều kết quả cao trong công tác tuyên truyền.

7. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên biết tiếng dân tộc và phối hợp trưng tập cộng tác viên là người dân tộc thiểu số; tác phong của tuyên truyền viên phải gần gũi với bà con; phải đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền và tăng cường năng lực của các tuyên truyền viên, phương tiện tuyên truyền, vận động để đạt hiệu quả cao nhất.

8. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị đồng bộ để phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền. Quan tâm hơn nữa tới chế độ phụ cấp, chế độ đãi ngộ, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền.

Năm 2019 tỉnh Điện Biên sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn như: Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2019); 110 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2019) và 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2019); 15 năm chia tách, thành lập tỉnh Điện Biên (01/01/2004 - 01/01/2019) ... Kế thừa kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan của những năm trước, khắc phục những mặt còn hạn chế, đồng thời để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tập trung chú trọng triển khai các giải pháp trên./.

Dương Chung


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.320.644
    Online: 21