Sự kiện cách mạng tháng 8/1945 là bước nhảy vọt trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Thành công của cách mạng tháng 8 dẫn tới sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Nhân dân Việt Nam làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do, bình đẳng và hạnh phúc.
Mang quân sang xâm lược với âm mưu thôn tính Việt Nam thành thuộc địa, Pháp vấp phải cuộc chống trả quyết liệt của Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nắm quyền chủ động về chính trị, quân sự khi bắt tay với những cường quốc trước đó như Trung Quốc, Nhật Bản và sau này là Mỹ, Pháp lần lượt đặt ách thống trị và đàn áp các tầng lớp Nhân dân Việt Nam, khiến cho người Việt Nam rơi vào cảnh lầm than cơ cực. Cách mạng tháng 8 thành công, đã mở ra trang mới trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Ta liên tiếp đánh bại nhiều âm mưu, chiến lược, nhiều trận chiến để giải phóng đất đai, tiêu diệt sinh lực và giành lại chủ quyền trên chính mảnh đất quê hương Việt Nam.
Sự kiện cách mạng tháng 8 năm 1945 là bước nhảy vọt trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Ta lần lượt giành thắng lợi trong các cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền phát xít Nhật từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, ... đến Huế, Sài Gòn. Lần đầu tiên giai cấp công nhân và Nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước. Thành công của cách mạng tháng 8 dẫn tới sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đánh dấu bằng sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Nhân dân Việt Nam làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do, bình đẳng và hạnh phúc.
Sau ngày quốc khánh, chính quyền non trẻ ra đời liên tiếp gặp những khó khăn thử thách. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải một lúc đối phó với ba loại giặc “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Trong điều kiện từng bước thực hiện các chính sách, biện pháp để đối phó chống thù trong giặc ngoài, giải quyết những khó khăn trước mắt, cải thiện đời sống Nhân dân thì đến cuối tháng 9 cùng năm, Thực dân Pháp núp bóng quân Anh quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, gây hấn tại nhiều địa điểm trong thành phố Sài Gòn. Khắp nơi trong cả nước đã dấy lên các phong trào cách mạng mạnh mẽ, kiên quyết đánh đuổi giặc ngoại xâm, bắt đầu trường kỳ kháng chiến oanh liệt đánh đuổi Thực dân Pháp khỏi bờ cõi nước nhà.
Ngày 06/01//1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội được tổ chức. Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, được hưởng quyền bầu cử vào Quốc hội, hơn 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Ngay trong vùng có chiến tranh, đồng bào vẫn tìm cách tham gia bầu cử. Tháng 3/1946, ta ký với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ với nội dung tạm thời hòa hoãn, đẩy nhanh quân Tưởng ra khỏi miền Bắc, nước Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ là một nước tự do có Chính phủ. Tuy nhiên trong khi Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện những điều khoản của Hiệp định thì Pháp lại vi phạm bằng một loạt các cuộc hành quân bình định và đánh úp ở miền Nam nhằm mở rộng điểm đóng quân, tổ chức chính quyền ngụy, mở rộng chiến tranh tiến tới chiếm đóng toàn bộ nước ta. Nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự đòi Pháp phải chấp hành thỏa ước. Tại Nam Bộ, quân dân Nam Bộ khẩn trương chấn chỉnh tổ chức, củng cố lực lượng, kịp thời nắm thời cơ nổi dậy trừ gian, khôi phục chính quyền Nhân dân, tiến hành chiến tranh du kích rộng khắp. Khí thế hào hùng của những ngày khởi nghĩa tháng 8 một lần nữa lại diễn ra.
Trong điều kiện vừa kháng chiến tại miền Nam vừa củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh có thể lan rộng ra cả nước. Đúng như dự đoán, Pháp nhanh chóng triển khai lực lượng lên phía Lạng Sơn, Tây Bắc, Móng Cái, Bắc Ninh, kết hợp với bọn phản động cách mạng càn quét làng mạc, thị trấn, đàn áp dân lành. Hành động của Pháp ngày càng láo xược, lộ rõ âm mưu thôn tính Việt Nam, chính phủ đã nhiều lần gửi thư đề nghị tìm giải pháp "cải thiện bầu không khí" nhưng đều bị khước từ. Trước tình thế đó, tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bắt đầu quá trình đấu tranh đầy khó khăn, thử thách của quân và dân ta.
Một loạt biến động từ sau Cách mạng tháng 8, Quân đội Nhân dân đã trưởng thành về chiến thuật, kỹ thuật và kinh nghiệm về chỉ huy và tác chiến. Ta tiếp tục đánh địch trên nhiều mặt trận tại Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng kết hợp với "phá hoại" để Thực dân Pháp không có cơ sở để lợi dụng, thực hiện âm mưu "dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Cũng trong thời gian này, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Đảng lần lượt chuyển lên Việt Bắc, xây dựng căn cứ địa kháng chiến đồng thời tiếp tục triển khai thế trận chiến tranh toàn dân, toàn diện và lâu dài kết hợp với kiện toàn và củng cố chính quyền các cấp.
Tháng 7/1947, Pháp vạch ra kế hoạch tấn công Việt Bắc, cơ quan đầu não kháng chiến với âm mưu "Đánh nhanh, thắng nhanh", tiêu diệt bộ đội chủ lực Việt Nam, dùng thắng lợi quân sự đẩy nhanh việc thành lập chính quyền bù nhìn toàn quốc, đặt ách thống trị thực dân, khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn sự liên lạc quốc tế, uy hiếp tinh thần kháng chiến. Ngày 07/10, quân Pháp bắt đầu tiến công Việt Bắc. Tuy nhiên, ta đã ra tay trước, lần đầu tiên Việt Minh tổ chức đánh trên quy mô lớn, phối hợp với lực lượng chiến đấu tại địa phương, kiên quyết tiêu diệt địch, bảo vệ an toàn "thủ đô kháng chiến" mở rộng vùng giải phóng. Qua 75 ngày đêm chiến đấu, quân dân Việt Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu 6000 tên địch, bắn rơi 16 máy bay, phá hủy nhiều tàu chiến, xe quân sự, pháo các loại, thu hàng chục tấn quân trang, quân dụng. Âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh" bị đè bẹp, giáng cho Pháp một đòn quyết định, buộc chúng phải chuyển sang bị động đối phó với cuộc chiến tranh sẽ kéo dài. Về phía ta, thắng lợi trong trận này đã tạo đà thắng lợi về sau, khẳng định chiến tranh chính nghĩa nhất định thắng lợi, tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng. Bộ đội ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, vùng giải phóng được mở rộng, lực lượng địch ngày càng tiêu hao.
Các cuộc đấu tranh tiếp tục được đẩy mạnh tại Nam Bộ, Trung Bộ, chiến tranh du kích phát triển đã đưa cuộc chiến của Nhân dân lên một tầm cao mới.
Tháng 8/1949, sau nhiều lần tổ chức thất bại, Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên ra đời - Đại đoàn 308 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tiếp sau đó thành lập thêm các đại đoàn 304, 312, 316, 320, 325, 351 trở thành đội quân chủ lực trong chiến đấu và tiếp tục thắng địch trên các mặt trận Cao - Bắc - Lạng, chiến dịch Lê Lợi, chiến dịch Lê Hồng Phong.
Bước sang năm 1950, Trung ương Đảng tiếp tục chủ trương đẩy mạnh kháng chiến toàn diện, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển nông nghiệp, tăng gia sản xuất cùng với đẩy mạnh văn hóa, giáo dục, y tế. Các cao trào cách mạng cũng diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức như bãi công, biểu tình, đấu tranh của mọi tầng lớp, công nhân, viên chức, học sinh... Ta còn giành được thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao khi các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới công nhận Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo và nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân Pháp. Thắng lợi này đã đẩy Pháp vào thế bị động lúng túng.
Trước sự phát triển mạnh của cuộc kháng chiến, trong khi Pháp vẫn chốt chặt biên giới Cao - Bắc - Lạng, ta chủ động mở chiến dịch Biên Giới Thu - Đông 1950. Phương án tác chiến được đề ra, Đông Khê sẽ là trận mở màn chiến dịch. Bộ Tổng tư lệnh sử dụng nhiều đơn vị quân chủ lực mạnh với khoảng hai phần ba lực lượng kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích tại chỗ; pháo binh cũng được huy động chưa từng có trước đó, Bác Hồ ra tận mặt trận chỉ đạo, động viên chiến dịch. Ngày 16/9/1950 được quyết định là ngày giờ nổ súng. Đến ngày 14/10, sau 29 ngày đêm chiến đấu, với cách đánh táo bạo, kiên quyết đã tiêu diệt hai binh đoàn Lơ Pagiơ và Sactông của Pháp, chiến dịch Biên Giới kết thúc. Một vùng giải phóng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn thuộc kiềm kiểm soát của bộ đội ta, đảo lộn tình thế chiến trường, là bước nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, là động lực để quân dân cả nước tiếp tục tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.
Bác Hồ đến thăm các đơn vị bộ đội tham gia chiến dịch Biên giới
Trên đà thắng lợi, một loạt các chiến dịch vừa và nhỏ cũng được tiến hành như chiến dịch Trung du (Đông Xuân 1950 - 1951), Đường số 18 (chiến dịch Hoàng Hoa Thám Xuân - Hè 1951), chiến dịch Hà Nam Ninh (chiến dịch Quang Trung 1951) đã liên tiếp gây cho Pháp thêm những thất bại chiến lược. Cho đến lúc này, Pháp đã nhiều lần thay chỉ huy tại Đông Dương nhưng không cứu vãn được tình thế. Chính phủ Pháp đang cố kéo dài cuộc chiến một cách mệt mỏi, chờ thời cơ để có thể thay đổi cục diện chiến tranh.
Cùng trong năm 1951, Pháp tăng cường lực lượng quân Âu - Phi và bắt người Việt vào quân đội viễn chinh Pháp; chúng còn xây dựng các bunker tạo thành một "vành đai trắng" bao quanh vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với quân chủ lực Việt Minh với mục tiêu tiến hành chiến tranh tổng lực để bình định những vùng tạm chiếm và chuẩn bị tiến ra vùng tự do. Tháng 10/1951 Pháp quyết định mở cuộc tiến công lớn đánh chiếm Hòa Bình và nhanh chóng chiếm được quyền kiểm soát Hòa Bình với một lực lượng quân cơ động, bộ binh, pháo binh mạnh. Trung ướng Đảng đã phải họp, bàn kế hoạch tác chiến trên quy mô lớn với những lực lượng chủ chốt, nhằm tiêu diệt địch tại đây. Trong thời gian từ giữa tháng 11/1951 đến cuối tháng 2/1952, ta đã mở hai đợt tiến công chiến lược, giành lại vùng đất phía thượng nguồn sông Đà. Thắng lợi này đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 quân Pháp, tiêu diệt, phá hủy và thu được nhiều vũ khí, đạn dược của Pháp, là thất bại nặng nề nhất của Pháp kể từ khi quay trở lại Việt Nam.
Đến năm 1952 tình hình nước Pháp rối ren. Chỉ trong tháng 2 và tháng 3/1952, nội các Pháp đổ liên tiếp ba lần. Tình hình chiến trường Đông Dương vẫn là vấn đề nan giải đối với Chính phủ của chúng. Tại Việt Nam chúng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng ngự, ráo riết bình định các vùng tạm chiếm. Chỉ huy Pháp nhiều lần xin viện trợ từ chính quốc nhưng không được chấp nhận vì ngân sách đã cạn. Về phía ta, sau khi phân tích tình hình chiến trường và đánh giá về tương quan lực lượng, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhận định phương hướng chiến lược có lợi lúc này là chiến trường rừng núi. Tháng 7/1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập khu Tây Bắc, gồm bốn tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Đây là một vùng rừng núi trùng điệp, nhiều dãy núi cao hơn 1000m; giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với Đông Dương. Ta chủ trương: "Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và hướng tiến công chiến dịch lên Tây Bắc. Sang Thu - Đông 1952, ta chủ động tiến lên Tây Bắc, chia làm 3 đợt tấn công rõ rệt. Ngày 10/12/1952, Pháp chính thức rút quân khỏi Tây Bắc, lui về phòng tuyến sau. Ta giải phóng hầu hết các tỉnh ở Tây Bắc với 28.5000km2 với 25 vạn dân; phá tan âm mưu lập “xứ Thái tự trị” của địch. Qua thắng lợi này đã củng cố căn cứ địa cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng thêm các lực lượng kháng chiến và bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Bác Hồ.
Ngay sau đó, nhận thấy Thượng Lào là vùng chiến lược quan trọng, là hậu phương an toàn của địch, ta phối hợp với quân và dân Lào mở chiến dịch Thượng Lào vào đầu năm 1953 nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai và đẩy mạnh cuộc kháng chiến của Nhân dân Lào. Chiến dịch diễn ra từ 08/4 đến 18/5/1953 thắng lợi, đã giúp Lào giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong xalì với trên 30 vạn dân. Đây là chiến dịch liên quân Việt - Lào thực hành vận động truy kích quân địch rút chạy dài ngày lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới nay, đánh dấu bước phát triển mới của tình đoàn kết giữa quân đội hai nước Việt - Lào. Lần đầu tiên sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước trong một chiến dịch lớn đã giành thắng lợi vẻ vang, tạo tiền đề cho các cuộc chiến đấu chống quân xâm lược còn trường kỳ.
Lễ kết nghĩa bộ đội Việt Nam và bộ đội Pa-thét Lào trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953
Trên chiến trường chính Bắc Bộ, từ giữa năm 1953, ta phát triển chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch, phá các tổ chức tề ngụy và các cơ sở kinh tế của chúng. Nhưng nước Pháp vẫn chưa chịu dừng bước. Lần này chúng đã có những bước đột phá mạnh mẽ sau 8 năm ròng vẫn chưa thể bình định được Đông Dương cũng như Việt Nam. "Ông lớn" Mỹ sẵn sàng viện trợ cho Pháp, nhằm từng bước "đặt chân" vào Việt Nam với điều kiện nước Pháp cần có những thay đổi có tính chiến lược và có thể giành được thắng lợi. Trong tình hình đó, Pháp đã cử Navarrre, một viên chỉ huy chưa từng biết đến Đông Dương sang Việt Nam làm chỉ huy. Táo bạo, khinh địch và có phần chủ quan, Navarrre đã xây dựng bản kế hoạch mang tên mình nhằm bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng. Ông ta thực hiện một loạt hành động và các cuộc hành quân trên khắp Việt Nam nhằm thực hiện chiến lược mới. Đỉnh cao của kế hoạch là xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trên thung lũng Mường Thanh, nhằm thu hút quân Việt Nam đến để tiêu diệt, kết thúc chiến tranh. Pháp và Mỹ hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch quân sự mới này, hi vọng Điện Biên Phủ sẽ kết thúc số phận của Việt Nam.
Cho tới lúc này cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam đã bước sang năm thứ 9. Về cơ bản chưa bao giờ ta có một đội quân chủ lực hùng hậu đến như vậy. Sự phát triển của các lực lượng vũ trang tại chỗ, du kích tại các địa phương càng củng cố các lực lượng chiến đấu, phát huy sức mạnh của chiến tranh Nhân dân. Sự thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, sự ủng hộ của Nhân dân thế giới, sự đoàn kết chiến đấu của dân quân Lào, Căm Pu Chia đã tạo thêm sức mạnh trong cuộc chiến tranh chính nghĩa này. Ta đã đưa cuộc chiến lên một tầm cao mới trong thế trận toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đưa cả nước cùng bước vào cuộc chiến, đưa trình độ tác chiến lên đỉnh cao nghệ thuật. Tất cả tạo nên sức mạnh thần kỳ trong cuộc chiến Điện Biên Phủ nhằm quyết định số phận của cả hai bên. Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm dưới lòng chảo, ta xây dựng thế trận bao vây và tiến công bên trên. Những cố gắng về hậu cần, về pháo binh, về tổ chức cách đánh, chiến thuật trong từng trận đánh đã dẫn tới một thắng lợi vĩ đại. Trải qua 56 ngày đêm, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, trong đó lần đầu tiên bắt sống Bộ chỉ huy quân đối phương, thu toàn bộ kho tàng, vũ khí của Pháp tại Điện Biên Phủ.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua những chặng đường lịch sử chống Thực dân Pháp đầy chông gai, khốc liệt. Chiến thắng Điện Biên Phủ "là cái mốc chói lọi bằng vàng" kết thúc sự có mặt của Thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam ruột thịt trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước./.
Hồng Nhung