Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là phương tiện cấu thành và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. Mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hóa và nét đẹp riêng trong trang phục của mình. Cũng giống như trang phục của các dân tộc khác, trang phục truyền thống của phụ nữ Mường tỉnh Điện Biên nói riêng và phụ nữ Mường trên đất nước Việt Nam nói chung được coi như một thứ “ngôn ngữ” biểu đạt những nét đặc trưng riêng, đặc sắc của dân tộc mình.
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường ở tỉnh Điện Biên bao gồm: khăn đội đầu (mu), áo cánh ngắn (ao pắn), áo dài (ao chung), khăn thắt áo (đẹt ạo), yếm (yệm hay áo báng), váy (kloốc) và thắt lưng (tênh).
Khăn (mu) của phụ nữ dân tộc Mường được làm bằng tấm vải thô, màu trắng, có kích thước khoảng 35 x 150-160 cm, khi đội trên đầu họ thường dùng hai góc thắt lại phía sau gáy.
Áo cánh ngắn (ao pắn) là loại áo cánh ngắn nhất so với các loại áo của phụ nữ các tộc người ở Việt Nam. Nó có chiều dài chỉ đến phía trên eo của người mặc. Phía dưới áo cánh ngắn là phần cạp váy dài 20cm, sau đó mới đến phần thân váy (từ eo trở xuống). Áo cánh ngắn của phụ nữ Mường thường được may bằng loại vải màu trắng, màu xanh hoặc màu hồng; không chiết eo, có 04 thân, 02 thân sau được ghép liền nhau, giữa lưng có sống áo, 02 thân trước có nẹp kéo liền từ cổ xuống dưới mép gấu áo. Giống như áo cánh của phụ nữ Việt, áo cánh ngắn của phụ nữ Mường có cổ tròn, có viền đứng cao chừng 2,5- 03 cm và cũng là loại áo có tay dài. Tuy mở chính ở giữa ngực nhưng áo của phụ nữ Mường không có khuy cài, khi mặc áo chỉ khoác bên ngoài chiếc yếm và chườm ra ngoài cạp váy một chút.
Áo dài (ao chung) của phụ nữ Mường thường được mặc chùm phía bên ngoài trong các dịp lễ tết hay hội hè. Đây là loại áo được may theo kiểu chiết eo, mở ở phía trước, không có khuy cài, mép dưới 02 vạt trước và vạt sau có hình e líp. Loại áo này thường dài tới gần đầu gối, cổ được thiết kế như nẹp vải rộng chừng 05 cm quấn quanh cổ và chồng lên nhau ở phía trước. Khi có lễ hội, phụ nữ Mường thường mặc mặc áo chùng đen ở bên trong, bên ngoài khoác áo chùng trắng và ngoài cùng là áo chùng đỏ hoặc áo chùng may bằng gấm.
Khăn thắt áo (đẹt ao), được dệt bằng đũi (tơ tằm sợi thô) hoặc sồi màu vàng, dài khoảng một sải tay của người mặc. Phụ nữ Mường thường thắt khăn này ở phía trên hông, phía bên ngoài áo dài để cố định hai nẹp áo phía trước lại.
Yếm còn được gọi là yệm hay ao báng, loại yếm này của phụ nữ Mường có điểm gần giống với yếm của phụ nữ người Việt (Kinh). Yếm được mặc bên trong dùng để che ngực trước khi mặc các loại áo khác ở ngoài. Đây thực chất là một miếng vải mộc vuông màu trắng, góc trên cùng được khoét tròn là cổ có đính dây buộc, 02 góc kế tiếp đính dây để khi mặc sẽ buộc lại phía sau lưng, góc dưới cùng khi mặc sẽ giắt trong cạp váy.
Cạp váy được làm bằng vải mộc hay lụa tơ tằm, là bộ phận đặc biệt và đáng chú ý nhất trong bộ y phục của phụ nữ Mường. So với bộ y phục nữ của các dân tộc khác, cạp váy của phụ nữ Mường là yếu tố đặc trưng riêng biệt về văn hóa của dân tộc này. Cạp váy này gồm 03 băng vải có tên gọi riêng, được may ghép với nhau: dang trên, dang cao và dang dưới. Dang dưới là phần quan trọng nhất của cạp váy, được dệt các mô típ hoa văn hình động vật với nhiều màu sắc như: hình con rùa, con rồng, con phượng, con chim lạc, cá, rắn… cách điệu, hoa văn này có nhiều nét giống với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn. Dang trên và dang cao là hai băng vải được trang trí hoa văn hình học đơn giản. Cạp váy của những người giàu dân tộc Mường thường được làm bằng chất liệu lụa tơ tằm, đây là một trong những loại cạp váy đẹp nhất của phụ nữ dân tộc Mường, nó thể hiện sự sang trọng, giàu có.
Thắt lưng (tênh) được làm bằng chất liệu vải, lụa tơ tằm, có màu xanh lục hoặc màu xanh lá mạ, có chiều dài khoảng 160 cm, chiều ngang 35cm, khi mặc phụ nữ Mường thường thắt dây lưng bên ngoài váy, quấn tầm ngang hông.
Vào những ngày hội, ngày lễ tết phụ nữ Mường thường mặc áo chùng (ao chùng). Còn trong ngày cưới cô dâu Mường thường mặc áo chùng màu xanh, phù dâu mặc áo dài màu trắng, tất cả đều đội khăn đội đầu màu trắng, đeo xà tích, vòng, nhẫn bằng bạc.
Tang phục (đồ tem) của phụ nữ dân tộc Mường: Trong ngày tang của gia đình, người phụ nữ phải đội chiếc mũ mấn (như chiếc phễu úp), áo cánh ngắn màu trắng, váy không cạp, thắt lưng trắng bằng vải mộc. Tất cả đều được may theo kiểu lộn trái, sổ gấu. Tang phục của các cô con dâu trong đám tang bố mẹ chồng thường là váy đen mới, bên trong là áo cánh ngắn, yếm; bên ngoài có vận thêm áo gấm nàu đỏ có đính nhiều hạt cườm (tem quạt ma), cài khuy nách phải. Nếu bố mẹ đẻ còn sống con dâu mang tang phục như trên; còn bố mẹ đẻ đã mất thì sẽ mặc tang phục như bình thường.
Ngày nay, xã hội phát triển kéo theo là sự du nhập của nhiều xu hướng thời trang mới, trang phục truyền thống của người phụ nữ Mường đang dần bị mai một, những người phụ nữ Mường mặc trang phục truyền thống thể hiện sự nâng niu, bảo tồn, giữ gìn trang phục của dân tộc mình chỉ còn là số ít; phần lớn họ không còn mặc trang phục truyền thống nữa mà thay vào đó là những bộ trang phục hiện đại. Đây là một sự ảnh hưởng không nhỏ đối việc giữ gìn, bảo tồn trang phục truyền thống của phụ nữ Mường nói riêng và văn hóa dân tộc Mường nói chung trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Một số hình ảnh về bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Mường tỉnh Điện Biên.
Bài, ảnh: Lê Hải
Bảo tàng tỉnh