Mùa xuân, khi sắc vàng của hoa Dã quỳ rực rỡ trên khắp những nẻo đường Tây Bắc thì cũng là lúc đồng bào Mông trên các bản làng rộn ràng vui Tết, chơi xuân.

Dọc con đường vào bản Na Ư, xã Na Ư, huyện Điện Biên, sắc vàng Dã quỳ rực rỡ trong ánh mặt trời như xua tan đi cái giá lạnh của vùng cao biên giới. Trong tiết trời se lạnh, đồng bào dân tộc Mông huyện Điện Biên nô nức tụ hội về trung tâm xã Na Ư để hòa mình vào Ngày hội Giao lưu Văn hóa dân tộc Mông lần thứ ba năm 2018. Tham gia Ngày hội năm nay có 10 đội đến từ 10 xã trong huyện bao gồm huyện Mường Nhà, Na Tông, Núa Ngam, Hẹ Muông, Na Ư, Hua Thanh, Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Pồn và Mường Phăng. Các đội đem đến những tiết mục văn nghệ, những trò chơi dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông, huyện Điện Biên.

Về với Ngày hội, từ các chàng trai, cô gái, người già cho đến trẻ em đều xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc sặc sỡ. Mở đầu là màn trình diễn Lễ cúng dòng họ “Lử su chia pê trầu” của đồng bào Mông. Trong một năm người Mông có rất nhiều Lễ, ứng với tiết trời và mùa vụ khác nhau, Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi, mọi người về đoàn tụ, ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động vất vả. Tết bắt đầu cho năm mới, hy vọng mọi sự may mắn tốt lành cho mùa xuân nảy lộc, đâm chồi, đồng thời cũng loại bỏ những rủi ro, đen đủi của năm cũ với niềm tin thiêng liêng của thời khắc đất trời chuyển giao sang một năm mới. Lễ cúng dòng họ là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong chuỗi các nghi lễ chiều 30 tết của dân tộc Mông. Người Mông rất coi trọng dòng họ, với quan niệm cùng dòng họ là những người anh em có cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết trong nhà nhau, luôn giúp đỡ, cưu mang nhau. Làm lễ cúng để thần linh về phù hộ cho con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển. Cúng nhờ sức mạnh của thần linh thu hết những tai nạn, rủi ro, bệnh tật, khó khăn,… Lễ cúng dòng họ là một lễ hội đặc trưng tiêu biểu, thể hiện rõ nhất bản sắc riêng của dân tộc Mông. Lễ cúng thể hiện quan niệm của người Mông về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần giáo và thể hiện quan niệm về gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản cũng như gắn kết cộng đồng của người Mông.

Lễ cúng dòng họ

Sau các nghi lễ, mọi người cùng nhau ca hát, múa khèn và chơi các trò chơi dân gian. Những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Mông được những nghệ sĩ không chuyên là đồng bào dân tộc Mông từ khắp các xã của huyện trình bày. Tiếng khèn Mông, kèn lá, sáo Mông lúc trầm, lúc bổng, lúc cao vút cùng những câu hát như những lời tâm tình, thủ thỉ bày tỏ tình cảm, niềm tin với Đảng, với Bác Hồ; là lời mời gọi đến giao lưu, gặp gỡ; là những khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Những điệu múa khèn, múa ô tập thể như lời mời gọi những du khách từ phương xa cùng hòa chung nhịp điệu. Hàng trăm khán giả vỗ tay theo tiếng nhạc và hò reo phấn khởi khi màn trình diễn kết thúc.

Sôi nổi, hào hứng và thu hút người xem nhất có lẽ vẫn là ở những màn thi tài với những trò chơi dân gian đặc trưng như ném Pa Pao, bắn nỏ, đánh tù lu, giã bánh dày, thi hát lấy hơi dài... Đây là những trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông mỗi độ xuân về. Với mỗi trò chơi lại mang đến không khí khác nhau. Cuộc thi bắn nỏ tạo không khí hồi hộp căng thẳng và tập trung bao nhiêu thì với trò thi hát lấy hơi dài thì không gian thi đấu giữa các đội lại thoải mái, rộn rã tiếng cười bấy nhiêu.

Đồng bào dân tộc Mông thi bắn nỏ

Và được chờ đợi nhất trong các trò chơi dân gian của đồng bào Mông bao giờ cũng là phần thi giã bánh dày. Bởi bánh dày là thứ không thể thiếu trong Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông. Bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông; tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Trong phần thi giã bánh dày, sự đoàn kết, tập trung cao của những chàng trai, cô gái trong đội là những yêu cầu tiên quyết. Sự di chuyển nhịp nhàng, nhanh chóng, những tiếng chày giã thậm thịch chắc nịch cùng tiếng hò reo của khán giả tạo nên không khí rộn ràng giữa không gian mênh mông của núi rừng. Sau khi hai chàng trai của mỗi đội giã cơm nếp đến độ dẻo nhất định, hai cô gái bắt đầu nặn thành từng chiếc bánh tròn trịa gói vào lá chuối xanh. Hết thời gian thi đấu, tất cả các đội phải dừng lại cho dù có đội còn chưa nặn xong; Ban giám khảo bắt đầu đi chấm điểm và mâm bánh của đội nào hoàn chỉnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về độ dẻo, độ ngon cần thiết trong thời gian ngắn nhất sẽ được trao giải. Sau khi đã chọn ra được đội thắng cuộc, tất cả bánh sẽ được tặng người dân, du khách thập phương cùng thưởng thức tạo không khí vui vẻ, đoàn kết. Theo quan niệm của người Mông, ai may mắn được tặng bánh dày sẽ là khách quý của gia đình và rất được trân trọng.

Thành quả của màn thi giã bánh dày

Cứ như vậy, trò này tiếp nối, xen kẽ trò kia làm cho không khí Ngày hội thêm rộn ràng. Mọi người vui chơi đến khi mặt trời đã đứng bóng và cùng trao nhau những lời chào lưu luyến hẹn gặp mùa sau. Những du khách cầm trên tay những chiếc bánh Dày do những người con gái Mông trao tặng, lưu luyến chia tay và mong được sớm trở lại với ngày Tết của đồng bào Mông lần sau.

Mai Hoa

Trung tâm TTXTDL


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 10.157.099
    Online: 23