Thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, từ ngày 12 - 16/11, tỉnh Hòa Bình đã chủ trì phối hợp với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu tổ chức chuyến khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế cũng như thực trạng hoạt động du lịch đường thủy dọc tuyến đường thủy liên hồ trên sông Đà qua địa bàn các tỉnh
Chương trình khảo sát theo lộ trình từ hồ thủy điện Lai Châu đi xuôi về hồ thủy điện Sơn La và kết thúc ở hồ thủy điện Hòa Bình. Qua 13 điểm khảo sát, tại mỗi tỉnh đoàn khảo sát đánh giá thực trạng, tiềm năng các điểm du lịch dọc tuyến sông Đà với nhiều nội dung: về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch như dịch vụ lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống; bản sắc văn hóa của các dân tộc; cảnh quan thiên nhiên; sản phẩm du lịch đặc trưng; vệ sinh môi trường…
Theo đó, hầu hết các điểm khảo sát dọc tuyến sông Đà được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, trong đó nổi bật loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa, tâm linh dựa trên lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và còn nguyên sơ; bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số sinh sống ven sông; nhiều điểm đến có giá trị về lịch sử và tâm linh như đền Vua Lê Thái Tổ (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), đền Thác Bờ (huyện Đà Bắc, Hòa Bình)... Đồng thời, dọc theo tuyến sông Đà đã bắt đầu hình thành các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch như vận tải hành khách đường thủy, dịch vụ ăn uống, homestay, mô hình du lịch sinh thái, điểm đến tâm linh…
Tuy nhiên, hiện nay số lượng các sản phẩm, dịch vụ còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao, nhiều phương tiện, bến thuyền chưa đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo…
Qua chuyến khảo sát nhằm làm cơ sở để xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy trên tuyến sông Đà qua các tỉnh từ Hòa Bình- Sơn La- Điện Biên- Lai Châu, đồng thời góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của các tỉnh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến các tỉnh Tây Bắc để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.
Thu Thủy