Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo (1927 - 1954) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân yêu nước trên quê hương Yên Mô (Ninh Bình). Với lòng căm thù giặc sâu sắc, năm 18 tuổi đồng chí lên đường nhập ngũ. Đồng chí gắn bó với Tiểu đoàn 426 (Cục Quân báo) từ trận đánh đầu tiên đến giờ phút hy sinh. Với lòng dũng cảm, mưu trí, năng động, quyết đoán, táo bạo, đồng chí đã trưởng thành từ người chiến sĩ lên tới chức Đại đội trưởng cho đến lúc hy sinh là Tiểu đoàn phó.

Là một chiến sĩ tình báo, trong suốt 9 năm kháng chiến đồng chí đã thực sự “vào sinh, ra tử” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 3/1949, đồng chí đã chỉ huy đại đội của mình phục kích địch ở Điền Xá (Đông Bắc Lạng Sơn), diệt 4 xe quân sự của địch, bắt sống 4 tên lính. Tháng 8/1949, Tiểu đoàn 426 được giao nhiệm vụ tham gia giải phóng Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc), trên đường gặp một tiểu đoàn địch, đồng chí đã chỉ huy đơn vị đột kích vào đội hình của địch, buộc chúng phải bỏ chạy, ta bắt sống 50 tù binh, trong đó có tên tiểu đoàn trưởng. Tháng 9/1951 đơn vị của đồng chí đánh một trận xuất sắc, diệt gọn một Đại đội Com măng đô 14 ở Kim Anh (Đông Anh, Hà Nội).

Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo với cương vị Tiểu đoàn phó, trực tiếp chỉ huy Đại đội 62 trinh sát. Cuối năm 1953, ta nhận được tin thực dân Pháp cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ “Mục đích nhảy dù của chúng là gì? Có phải chúng đã phát hiện được Đại đoàn 316 đang hành quân lên Lai Châu?” Đó là những câu hỏi cấp trên chỉ thị cho ngành Quân Báo phải làm cho rõ. Nhận nhiệm vụ trên giao, đại đội của đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, triển khai lực lượng nắm địch. Ngày ngày quan sát, tối đến các chiến sĩ lại luồn vào cứ điểm của địch nắm địa hình để vẽ bản đồ phục vụ yêu cầu tác chiến.

Một đêm đầu tháng 12/1953, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo cùng tổ trinh sát của mình đột nhập vào căn cứ của địch để nắm tình hình và nhặt được một dù hàng. Về đến đơn vị mở ra mới biết đó là một tấm bản đồ Điện Biên Phủ tỉ lệ 1/25.000 với đầy đủ các chi tiết về bình độ, địa hình do máy bay Pháp thả xuống cho Tướng De Castries. Với chiến công này tổ trinh sát của đồng chí đã được tặng Huân chương chiến công hạng Nhì. Ngày sau đó, tấm bản đồ được Bộ chỉ huy mặt trận gửi về hậu phương để in thành hàng nghìn bản đưa ra mặt trận để phát cho các đơn vị.

 Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, đồng chí và những người đồng đội của mình đã bám sát địch, phục vụ đắc lực cho chỉ đạo, chỉ huy từ trước khi chiến dịch diễn ra và trong 56 ngày đêm ta tấn công Điện Biên Phủ. Với phương châm “nhanh nhẹn, tai thính, mắt tinh, mũi nhạy”, đặc biệt phải thật gan dạ, trong hoàn cảnh nào cũng không được lùi bước trước quân thù, những thông tin thăm dò được đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi trận đánh. Mỗi khi bước vào trận, anh em trinh sát phải vào tận hang ổ của địch, luồn lách qua từng lớp hàng rào dây thép gai để xem địch bố trí binh lực, hỏa lực, bố phòng như thế nào để đồng đội tiến công. Nhiều khi phải lao đi giữa làn đạn địch để truyền đạt thông tin, mệnh lệnh của cấp trên.  

Vào đợt tấn công thứ 2 của chiến dịch, sau khi tiêu diệt xong các cứ điểm C1, D và E của địch thì bộ đội ta, trực tiếp là Trung đoàn 174 gặp phải sự phản kháng điên cuồng của địch ở đồi A1. Do chưa nắm chắc cấu trúc trận địa phòng ngự của địch nên ta tấn công ít hiệu quả. Trận đánh diễn ra quyết liệt, ta và địch giành giật từng tấc đất, từng mét chiến hào, người này ngã xuống, người khác xông lên. Ta tổ chức những đợt tấn công vào ban đêm. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo cùng Tiểu đoàn 426 được giao nhiệm vụ quan sát, kết hợp với thu tin cung cấp cho Trung đoàn 174 kịp thời đối phó trong mọi tình huống.

Sau mấy ngày đêm kiên cường đánh địch, ta mới chiếm được một nửa đồi A1. Địch nắm phần lợi thế vì dựa vào hầm ngầm cố thủ và hệ thống hỏa lực bảo vệ cho căn hầm, đặc biệt chúng có hầm ngầm nhưng ta chưa phát hiện ra. Xương máu của đồng đội sẽ tiếp tục đổ nếu không sớm phát hiện được hầm ngầm của địch. Nhiệm vụ này cấp trên giao đích danh cho đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo chỉ huy tổ trinh sát đi nghiên cứu, nắm bắt tình hình và xác định vị trí hầm ngầm.

Cứ điểm Đồi A1 có hệ thống hàng rào thép gai nhằng nhịt, mìn vướng nổ, đè nổ dày đặc. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, lộ đội hình là hỏa lực địch dội xuống như mưa. Tổ trinh sát của đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo đã anh dũng vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, băng qua những đoạn chiến hào để nghiên cứu tình hình. Trong quá trình đi trinh sát, khi gần tới mục tiêu, tổ trinh sát đã bị quân địch phát hiện và nổ súng xối xả vào đội hình. Trước tình huống đó đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo đã bình tĩnh chỉ huy đơn vị bám chắc từng mô đất tổ chức đánh trả, khi đơn vị tiến sát quân địch thì đồng chí bị trúng đạn và ngã xuống. Đồng chí hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, sự hy sinh của đồng chí như hồi súng lệnh đã tiếp sức cho đồng đội tiếp tục tấn công.

Cuối cùng tổ trinh sát đã hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn quân địch từ Mường Thanh tiếp viện lên và xác định đúng vị trí hầm ngầm cố thủ của địch trên đỉnh đồi. Từ đó đội Công binh M83 của ta đã đào đường hầm ngầm để đặt khối bộc phá nặng 960kg thuốc nổ tại cứ điểm A1. Bộ binh, công binh dũng mãnh lao lên như vũ bão, tiêu diệt hoàn toàn quân địch trên cứ điểm A1 vào rạng sáng ngày 07/5/1954, nhổ được “chiếc gai” nhức nhối của chiến dịch.

Ngày 07/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, làm nức lòng quân dân cả nước. Trong đoàn quân rực rỡ cờ hoa trùng trùng như sóng tiến về Thủ đô vắng bóng chiến sĩ quân báo Nguyễn Ngọc Bảo. Đồng đội nhìn lên màu cờ đỏ, rưng rưng nước mắt nhớ về người Tiểu đoàn phó dũng cảm với bao tiếc thương và khâm phục. Ngày 30/8/1995 đồng chí đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài ra đồng chí còn được khen thưởng Huân chương Quân công hạng ba và 02 Huân chương Chiến công hạng nhì.

Tấm gương đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo đã trở thành biểu tượng cổ vũ, động viên thế hệ chiến sỹ tình báo tiếp theo cống hiến hết mình cho tổ quốc. Có thể nói, những chiến công, cống hiến, những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ trinh sát đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi vĩ đại Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Đông - Xuân (1953 - 1954)./.

Lò Thương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 298.274
Online: 3