Đồi Cháy là tên một ngọn đồi lịch sử nằm cạnh đồi A1. Nó đã chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử quan trọng của chiến thắng cứ điểm Elian2 (cứ điểm A1) trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954.

 Đồi Cháy là tên một ngọn đồi lịch sử nằm cạnh đồi A1. Nó đã chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử quan trọng của chiến thắng cứ điểm Elian2 (cứ điểm A1) trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954.


Khi Thực dân Pháp cho quân chiếm đóng Điện Biên Phủ vào cuối năm 1953, chúng đã cho xây dựng nơi đây thành Tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh, lúc cao điểm quân số lên tới 16.200 tên. Lực lượng của chúng được bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm.

 Khi xây dựng cứ điểm A1, Pháp cho quân chặt cây trên đồi và những đồi bên cạnh. Để tạo tầm nhìn và dễ quan sát chúng đã đốt phá cây cối và nhà của nhân dân địa phương. Từ cứ điểm A1 nhìn về phía Đông Nam có ngọn đồi thấp thoai thoải, đồi trơ trọi nhìn giống như cái đầu không có tóc. Quân Pháp gọi đó là đồi Hói Đầu. Người dân xung quanh gọi đây là đồi Trọc, vì cây cối trên đồi bị địch đốt phá, đồi trơ ra những dải đất trống. Khi bộ đội Việt Minh chuẩn bị đánh vào cứ điểm A1 đã nghiên cứu địa hình và chọn được ngọn đồi cạnh đồi Trọc có tên là đồi Cháy (do nhìn từ xa lại đồi có mầu đen).

Trong đợt tấn công thứ 2 của quân đội Việt Minh vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trung đoàn 174 - Đại đoàn 316 đã lấy đồi Cháy làm nơi đặt trận địa cối và sở chỉ huy trung đoàn.

Theo lệnh của Đại đoàn 316, từ đầu tháng 2 năm 1954, các đơn vị vừa xây dựng trận địa vừa tiến hành trinh sát địch để khi trận địa xong là bắt đầu tấn công. Trung đoàn 174 bắt tay vào việc đào hào làm trận địa. Cả mặt trận lúc này cũng dồn sức lực vào công việc đào hào. Hào của tiểu đoàn 249 thuộc trung đoàn 174 đã được đào từ hướng Đông Nam qua đồi Cháy tiến sát cứ điểm A1. Càng gần địch, các chiến sĩ của ta càng quyết tâm hơn. Ta đào hào ban đêm, ban ngày địch phát hiện và cho quân ra san lấp. Nhưng với lòng quyết tâm tiêu diệt địch, các chiến sỹ tiểu đoàn 249 vừa đánh kìm chân địch vừa đào hào.

Ngày mùng 1 tết âm lịch (tức ngày 3/2/1954), để chúc mừng tết Nguyên đán, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho sơn pháo 75 mm bắn thử vào sân bay Mường Thanh. Đến viên đạn thứ ba thì một máy bay khu trục bốc cháy ngùn ngụt. Địch hoảng hốt vội vã sơ tán những chiếc còn lại.

Sau khi pháo binh ta bắn thử vào sân bay đã làm cho địch hoang mang, lo ngại và phản ứng mạnh hơn. Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho đại đoàn 316 tăng cường lực lượng phòng ngự, kiên quyết giữ vững thế bao vây uy hiếp tập đoàn cứ điểm, đồng thời tích cực tranh thủ tiêu diệt một bộ phận sinh lực dịch, nếu chúng đánh ra. Tiểu đoàn 439 - Trung đoàn 98 - Đại đoàn 316 được điều ra khu đồi Xanh chốt giữ (đồi Xanh gồm một dẫy cao điểm mối tiếp nhau tạo nên một bức thành ngăn cánh đồng Mường Thanh với dãy Tà Lèng). Ta chiếm giữ khu đồi Xanh để bảo vệ cho công tác xây dựng trận địa pháo, đồng thời tạo bàn đạp cho Đại đoàn 316 triển khai lực lượng xây dựng trận địa bao vây tiến công ở phía đông tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sáng ngày 5/2/1954, địch cho một tiểu đoàn tiến ra Khe Chít, có xe tăng yểm trợ ngoài ra địch còn bố trí pháo binh và không quân bắn phá dữ dội, yểm hộ cho bộ binh tiến lên đồi Cháy. Ta đã bố trí một tiểu đội bí mật chờ địch đến cách 30 mét rồi bất thần đồng loạt nổ súng, tiêu diệt tại chỗ 10 tên. Sau đó, địch tổ chức 2 lần phản kích lên đồi Cháy nhưng bị quân ta chặn đánh, ghìm chân địch chúng hơn một giờ rồi mới bí mật rút về trận địa chính. Quân địch có ý định chiếm đồi Cháy làm bàn đạp tổ chức tấn công lên đồi Xanh, đồng thời cho một mũi bí mật luồn rừng đánh vào trận địa sơn pháo của ta. Các chiến sĩ pháo binh nêu cao tinh thần cảnh giác theo dõi chúng, phối hợp với phân đội bộ binh đánh bật quân địch, bảo vệ trận địa pháo an toàn. Các đợt tấn công sau đó của địch từ đồi Cháy lên Đồi Xanh đều bị quân ta bẻ gãy. Trong ngày hôm đó, quân ta đã đánh bại 6 đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 60 tên, bảo vệ vững chắc trận địa.

Ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 nổ súng tấn công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Đến 5 giờ chiều 14/3,  một phân đội bộ binh được phối thuộc 1 trung đội đại liên, 1 tiểu đội cối 60 mm của Đại đội 925, nhận lệnh đánh nghi binh đồi A1 để Đại đoàn 308 công kích đồi Độc Lập. Khoảng 19 giờ tối 14/4, lợi dụng lúc pháo sáng của địch, bộ đội ta  đã bí mật men theo chân đồi Cháy tiếp cận vào phía nam đồi A1.  Xác định vị trí xuất phát tấn công và bố trí hỏa lực, đơn vị  bí mật đào công sự. Trong khi quân ta đánh bộc phá mở hàng rào, cối 60mm lần lượt bắn vào hàng rào tiền duyên. Phía sau lưng trận địa của ta xuất hiện một tiểu đội địch đang đi tuần trên sườn đồi Cháy. Đơn vị cử một tiểu đội bộ binh quay súng bố trí hướng về phía đồi Cháy, nếu địch phát hiện thì sẵn sàng chiến đấu bảo vệ, nếu không bị phát hiện thì im lặng chờ lệnh thu quân. Sau 15 phút quân địch đi tuần rút hết, đơn vị được lệnh thu quân men theo chân đồi Cháy trở về căn cứ.

Nhiệm vụ đánh chiếm A1 do Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đảm nhiệm. Trước khi chiếm lĩnh trận địa, Trung đoàn đã sử dụng một số phân đội nhỏ đánh lui địch khỏi đồi Cháy và đồi F để thu hẹp phạm vi phòng ngự của địch, giành lại thế có lợi để đặt Sở chỉ huy trung đoàn, đặt trận địa hỏa lực và tuyến xuất phát tấn công, xung phong.

 Trung đoàn 174 đã bố trí những đơn vị cối, trung liên ở chân đồi Cháy. Vị trí chỉ huy là một hầm hàm ếch tựa lưng vào chân đồi Cháy, cách lô cốt đầu cầu (gần Đồi Cháy) chừng 100 mét về phía Nam. Chiều ngày 29/3/1954, Trung đoàn đã dùng một lực lượng nhỏ đánh đuổi bộ phận tiền tiêu địch ở đồi Cháy. Đúng 17 giờ ngày 30 tháng 3, Trung đoàn 174 đã chiếm lĩnh trận địa xong. Khi pháo binh của ta bắn vào dãy đồi phía Đông vừa dứt các đơn vị bộ binh bắt đầu tiến đánh A1. Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174 có nhiều chiến sĩ bị thất lạc, nhiều thương binh nhẹ đang điều trị và một số chiến sĩ bị những cọc thép gai cào chọc nát bàn chân. Cả tiểu đoàn dồn lại chỉ còn khoảng một trung đội nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu dũng cảm, tiếp tục xuất quân bao vây A1. Khe suối cạn giữa A1 và đồi F có nhiều chiến sĩ của ta hi sinh, pháo địch hắt đất trùm nham nhở, chiến sĩ tiểu đoàn 249 phải chạy lên bờ sang Đồi Cháy. Pháo địch vẫn bắn rầm rầm phía sau.

Sau hai ngày ba đêm tiến công không kết quả, ta dùng bộc phá đánh sập những công sự đã chiếm được rồi rút khỏi A1. Đồi Cháy trở thành trận địa phòng ngự đầu tiên của bộ đội ta dùng để tiếp cận đồi A1. Quân ta dùng súng bắn tỉa từ đồi Cháy sang A1, quân địch khiếp sợ cũng không dám ló ra khỏi công sự.

Tại hầm chỉ huy của Trung đoàn174 ở  đồi Cháy, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An đã phổ biến kinh nghiệm trận đánh đợt đầu cho Tiểu đoàn 255 (mới được bổ sung quân số và trang bị vũ khí đầy đủ), nhấn mạnh địch giành giật quyết liệt phần đất đã mất nên ta phải đào hầm hào thật tốt, tổ chức các trận địa liên hoàn giữa đồi A1, đồi Cháy, đồi F, kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực và lực lượng cơ động. Trung đoàn sẽ cung cấp gỗ làm nắp hầm hào, hỗ trợ hỏa lực của trung đoàn, đại đoàn, đảm bảo thông tin giữa các trận địa.

Tiểu đoàn 255 đã bố trí Đại đội 925 trên đồi A1, Đại đội 924 trên đồi Cháy. Đại đội 653 bố trí một trung đội trên đồi F, còn lại làm lực lượng cơ động cho tiểu đoàn. Đại đội 926 trợ chiến, bố trí ở đồi Cháy. Nhiệm vụ đào công sự rất nặng nề: đường giao thông hào nối giữa hai trận địa, hai đường hào từ suối cạn lên đồi A1, trên mỗi trận địa phải có hệ thống hầm chiến đấu ngang dọc, hầm hào phải có nắp chịu được pháo 155 mm và cối 120 mm, giao thông hào phải đủ rộng để cơ động bộ đội, tiếp tế, tải thương. Có cả hầm để các loại vũ khí, hầm cho bộ đội luân phiên nghỉ ngơi. Chỉ huy sở của tiểu đoàn do công binh đào. Các chiến sĩ vừa đào hào vừa phải chống chọi lại với pháo binh địch bắn phá. Cối 120 mm của địch thường xuyên bắn từ Hồng Cúm nhằm vào đỉnh đồi Cháy, đồi F và đường hào tiến quân của ta từ phía sau lên. Ngày nào bộ đội ta cũng có thương vong, nhiều khi chân tay dầm bùn mà không có nước rửa.

Đồi Cháy có trận địa hỏa lực của tiểu đoàn trực tiếp uy hiếp đỉnh đồi A1, là cái gai trước mắt địch, nên ngoài pháo chúng còn dùng máy bay ném bom để hủy diệt. Một lần quân Pháp cho máy bay ném bom xuống trận địa hỏa lực của ta nhưng không trúng, bom rơi xuống sườn đồi trúng hầm chỉ huy của Đại đội 924 lúc ban chỉ huy đang họp, tất cả hy sinh. Đây là thiệt hại khá lớn của Tiểu đoàn 255 trong thời gian phòng ngự. Bộ đội ta được lệnh bí mật đào một đường hầm tới hầm ngầm cố thủ của địch và dùng một tấn thuốc nổ để đánh sập hầm đó. Từ ngày 20/4 đến 4/5 năm 1954, Đội công binh 83 được Tiểu đoàn 255 bảo vệ và hỗ trợ đào hầm, càng đào vào sâu khối lượng đất moi ra càng nhiều các chiến sĩ phải dùng túi dù đựng đất rồi kéo ra ngoài đắp lên giao thông hào,số đất còn lại thì mang sang bên kia đồi Cháy để khỏi lộ bí mật. Tiểu đoàn 255 vừa chiến đấu vừa bảo vệ tổ công binh đào hầm ngay dưới tầm ném lựu đạn và cối của địch. Suốt hơn 20 ngày đêm ròng rã, địch đã trút xuống khu vực đồi Cháy nhiều bom đạn nhưng Tiểu đoàn 255 vẫn bố trí và bảo đảm an toàn cho các đoàn cán bộ đi trinh sát.

Chính ủy và Tư lệnh Đại đoàn cũng nhiều lần đích thân lên đồi Cháy và chân đồi A1 để quan sát tình hình và động viên anh em chiến đấu.

Đêm 6/5/1954, sau một thời gian phòng ngự, Trung đoàn 174 được lệnh công kích vào cứ điểm A1. Tiểu đoàn 249 vẫn là đơn vị chủ công của Trung đoàn, Đại đội 315 đánh chính diện vào bên phải. Đại đội 316 đánh bên trái đồi A1 mũi chính diện, lần này Đại đội 316 thay đổi vị trí tập kết về phía trái đồi Cháy (phía Hồng Cúm) xung phong tiến sát đồi Cháy, qua suối lên đồi A1.

Trung đoàn174 phổ biến xuống các đơn vị, khi có tiếng nổ lớn phải đề phòng sức ép, tất cả phải quay mặt về phía sau, sau tiếng nổ là lệnh xung phong. Khoảng hơn một giờ, sau khi bộ đội ta xuất kích chiếm lĩnh trận địa sau đồi Cháy thì có tiếng nổ làm rung chuyển cả một khu vực rộng lớn, khói bộc phá trùm kín đồi A1 và lan sang cả đồi Cháy. Bộ đội ta nhanh tróng đánh chiếm các lô cốt của địch, sau đó đánh chiếm hầm chỉ huy của địch trên đỉnh đồi A1. Trung đoàn 174 di chuyển chỉ huy sở từ đồi Cháy về hầm ngầm A1 để chỉ huy các đơn vị nhanh chóng đánh chiếm cứ điểm A1. Đến 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/5/1954  quân ta làm chủ hoàn toàn đồi A1.

 Sau khi chiếm được A1, Trung đoàn 174 để lại một số đơn vị chốt giữ A1, còn lại thì rút quân về bên đồi Cháy chỉnh đốn lại đội hình. Các đơn vị súng cối, pháo 75 ly trên đồi Cháy bắn yểm hộ cho các phân đội bộ binh tiến vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Di tích Đồi Cháy là di tích lịch sử, ghi dấu chiến thắng của bộ đội ta với quân Pháp. Về mặt lịch sử đây là nơi diễn ra một số sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến chiến thắng cứ điểm A1, trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ đội ta không quản hy sinh xương máu đã làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam: Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu.

Chiến thắng tại đồi A1 có sự đóng góp không nhỏ của đồi Cháy. Đồi Cháy là căn cứ, bàn đạp để bộ đội ta tấn công tiêu diệt cứ điểm A1; là nơi Trung đoàn 174 chọn làm nơi đặt Sở chỉ huy trung đoàn. Đồi Cháy đã góp phần tạo nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Chiến thắng đồi A1 còn thể hiện sự chỉ huy lãnh đạo sáng suốt của Trung đoàng 174  đã chọn đồi Cháy làm nơi đặt trận địa hỏa lực và chỉ huy sở. Từ Tiểu đoàn đến Trung đoàn đều lấy đồi Cháy làm nơi tập kết lực lượng, vũ khí cũng như xây dựng trận địa phòng ngự vững chắc để từ đó tổ chức tấn công lên Đồi A1,

Mặc dù chiến tranh đã lùi về quá khứ, nhưng di tích Đồi Cháy vẫn còn đó những giá trị lịch sử to lớn với những bài học về tinh thần cách mạng, sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân dân ta, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ đã giao./.

Nguyễn Thúy

Bảo tàng CTLSĐBP


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
 Bình chọn
Đánh giá mức độ hữu ích của trang thông tin điện tử
135 người đã bình chọn
Thống kê: 290.316
Online: 132